Dù Hưng “kính” cùng 4 đàn em đã bị bắt và sắp bị đưa ra tòa xét xử, nhưng không ít tiểu thương chợ Long Biên vẫn cảm thấy bất an. Việc bị đe dọa, chèn ép với đủ chiêu trò ngày nào vẫn là nỗi ám ảnh thường trực đối với họ.
Nơm nớp lo sợ
Những ngày đầu tháng 7, PV Báo Giao thông có dịp trở lại chợ Long Biên, quận Ba Đình - một trong những chợ đầu mối bán thủy hải sản, rau củ quả lớn nhất Hà Nội. Mọi hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp, bình yên như chưa từng xảy ra việc bảo kê bị phanh phui khiến dư luận xôn xao cách đây gần 1 năm. Thế nhưng, đằng sau vẻ bình yên bên ngoài ấy, vẫn còn đó những nỗi lo sợ vô hình của không ít tiểu thương, nhất là những người đã dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi phạm tội của Hưng “kính” cùng đồng bọn.
Không còn cảnh đàn em của Hưng “kính” đi thu tiền bảo kê một cách trắng trợn, công khai, mọi hoạt động thu tiền cũng như phí dịch vụ của Ban Quản lý chợ Long Biên diễn ra rất cẩn trọng và tế nhị. Một chủ hàng chia sẻ: “Chúng tôi từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… về đây lấy hàng thì thời gian này có khác trước kia, tuy nhiên ngoài khoản phí công khai vẫn có một số khoản gọi là “bôi trơn”, gần như tự hiểu với nhau”. Người này cũng rất dè dặt khi chia sẻ, bởi ai cũng hiểu, không ai muốn bị “làm phiền” nếu tiết lộ thông tin.
Trong khi đó, một tài xế thường xuyên chở hàng từ các tỉnh về chợ Long Biên cho hay: “Bọn em lái xe cho chủ hàng, xe về chủ hàng báo “luật” theo mức giá ấn định. Còn đối với các phương tiện các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… về chợ Long Biên gom mua hàng thì mức “phế”, giá thu sẽ cao hơn mức như bọn em. Nói chung bọn em chỉ biết đánh xe ra vào theo điều tiết của chủ hàng thôi, còn cụ thể nào em không biết rõ hết được”.
Điều đáng nói, khi tiếp xúc với PV, không ít nhân chứng vụ án cưỡng đoạt tài sản do Hưng “kính” cầm đầu đều tỏ ra rất lo lắng, sợ hãi một ngày nào đó Hưng “kính” cùng các đàn em ra tù và trở về. “Ngay cả khi nghe tin Hưng “kính” và các đàn em bị bắt, tôi vẫn luôn luôn có cảm giác bất an. Bởi vì, không phải họ bị bắt là đã xong. Cũng không biết kết quả xét xử sẽ thế nào. Hiện tại, không chỉ tôi mà một số người cùng làm với tôi đều đã nghỉ việc. Dù có bị xét xử thì Hưng “kính” cũng chỉ một thời gian nữa là ra tù, biết đâu khi đó sẽ có gì xảy ra với tôi thì ai mà lường trước được?”, người này tỏ ra lo lắng.
Gặp khó sau khi đứng ra tố cáo Hưng “kính”
Dù Hưng "kính" đã bị bắt nhưng nỗi ám ảnh vẫn thường trực trong tâm trí của nhiều tiểu thương chợ Long Biên
Tiếp xúc với PV, một trong những người trực tiếp đứng ra tố cáo Hưng “kính” chia sẻ: “Thực tế chỗ tôi kinh doanh nửa bãi cá, trước đây nhóm Hưng “kính” đứng ra bảo kê một hộ kinh doanh bên cạnh bãi cá đó. Trong khi đó, chúng tôi đứng tên hợp đồng thuê đất của Ban quản lý chợ đến cả 10 ki ốt trong bãi cá này. Nhưng để có 1 vị trí đỗ xe ô tô lên, xuống hàng là rất khó khăn. Và không phải lúc nào Ban quản lý chợ cũng có mặt để sắp xếp cho chúng tôi. Ngay cả bây giờ, khi Hưng “kính” đã bị bắt thì hiện trạng vẫn vậy, chẳng ai dám đứng ra bảo vệ hộ kinh doanh đó”.
“Sau khi chúng tôi đã dám đứng ra vạch trần vụ việc, đưa ra ánh sáng thì chúng tôi luôn luôn có cảm giác gặp những khó khăn trong việc kinh doanh. Chúng tôi đã tồn tại ở đây 10 năm đến bây giờ, tôi lại có cảm giác giá như cứ đóng tiền bảo kê cho Hưng “kính” khéo lại được yên ổn làm ăn. Hiện, tôi không còn phải đóng tiền bảo kê như trước đây nữa mà chỉ phải đóng 10 triệu đồng/10 ô tô theo quy định, nhưng việc kinh doanh lại rất áp lực. Cuộc sống của chúng tôi luôn rất bất an, không biết khi Hưng “kính” ra tù sẽ thế nào”, người này chia sẻ và cho biết, trước đây cứ một xe vào cổng là mất 90 nghìn đồng, vào bên trong thì đội Hưng “kính” thu thêm 1 đầu xe là 350 nghìn đồng. Qua 1 giờ mà vẫn chưa đổ hết xe hàng đó thì họ tiếp tục đến thu ca 2 là 120 nghìn đồng.
Trong khi đó, chia sẻ với Báo Giao thông, nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ TP HCM), người đã cùng PV Liên Liên (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện phóng sự điều tra vụ bảo kê chợ Long Biên cho biết: “Đến nay, mọi chuyện đều đã ổn, tôi không bị đe doạ như trước kia nữa. Có những chuyện diễn ra ngoài thực tế, không phải lúc nào mình có thể cắt nghĩa được hết, nhưng có điều là mình cũng đã làm tốt nhất có thể để không ảnh hưởng đến kết quả của vụ án. Hy vọng trong vụ việc này, cơ quan chức năng có một phán quyết khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật”.
Nữ nhà báo Thu Trang cũng thông tin thêm, trước đó các đối tượng muốn đền bù cho bị hại. Tuy nhiên, bị hại không đồng ý, vì họ đã phải chịu đựng trong một thời gian quá dài nên không gì có thể mua chuộc được họ.
Tạm dừng hoạt động tổ bốc xếp hàng hóa
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Đức, Phó ban quản lý chợ Long Biên thông tin: “Thời gian qua chợ Long Biên gặp một số trục trặc trong hoạt động chừng 1- 2 tháng. Sau khi Hưng “kính” cùng 4 người khác bị bắt, cơ quan chức năng trên địa bàn đã vào cuộc hỗ trợ, cho đến nay chợ Long Biên đã dần đi vào nền nếp.
Theo ông Đức, hiện nay việc thu giá dịch vụ của chợ thực hiện theo quy định số 56 của thành phố, tùy theo các phương tiện to, nhỏ mà có mức thu phí khác nhau. Lý giải việc “thu thêm” đối với các tiểu thương như thời Hưng “kính”, ông Đức cho biết là do thoả thuận về bốc xếp theo vị trí đỗ. “Việc thu chênh là do các đối tượng tự ý thu, còn Ban Quản lý chợ Long Biên cũng không nhận được phản ánh của bà con. Ngay sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến Hưng “kính”, Ban Quản lý chợ Long Biên đã họp rút kinh nghiệm, củng cố lại một số bộ phận, đồng thời ra quyết định tạm dừng hoạt động của tổ bốc xếp với 30 người để phân công làm việc khác như trật tự, vệ sinh môi trường...”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, đối với việc bốc xếp hàng hoá tại chợ Long Biên hiện nay, Ban quản lý chợ đã thông qua Hội Phụ nữ chợ Long Biên thông báo tới các chủ hàng tự bố trí người bốc xếp hàng hoá khu vực xe hàng của họ. “Như trước đây, ngoài tổ bốc xếp của Ban Quản lý chợ thì các hộ kinh doanh đều bố trí người nhà bốc xếp. Còn hiện nay, tổ bốc xếp tạm nghỉ thì các hộ kinh doanh bố trí người bốc xếp, đồng thời báo cáo cho Ban quản lý, Công an quản lý chợ. Thời gian tới, Ban Quản lý chợ Long Biên sẽ cử người đi học tập một số mô hình quản lý chợ hiệu quả trên địa bàn để về áp dụng nhằm mang lại hiệu quả cao và trên cơ sở đảm bảo đúng qui định của pháp luật. Nói chung, sau khi xảy ra vụ Hưng “kính”, đến nay vấn đề an ninh trật tự được đảm bảo, bà con yên tâm kinh doanh”, ông Đức nói.