Trục lợi từ dịch bệnh!

GD&TĐ - Trục lợi ở đây không phải nâng giá, dìm giá để kiếm lời hay những vấn đề liên quan đến kinh tế khác mà là để được xét nghiệm Covid -19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể, tại phiên họp trực tuyến của TP Hà Nội với các quận huyện, xã, phường về công tác phòng chống dịch Covid -19, tình trạng có một số người không đi từ Hải Dương về Hà Nội nhưng muốn được xét nghiệm nên đã khai là có đi qua Hải Dương đã được nêu ra. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, đây là hành vi không trung thực, gian lận trong kê khai y tế.

Đi qua vùng dịch mà không khai báo hay không qua mà nhận là có đều là gian lận có chủ ý và phải xử phạt hành chính theo quy định. Một người cố tình khai đi về từ Hải Dương sẽ kéo theo 3 - 4 người trong nhà đi xét nghiệm thì kinh phí không bảo đảm được. Sau này thành phố sẽ kiểm tra kỹ, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm - ông Dũng khẳng định.

Ai cũng biết, tự giác và trung thực trong khai báo y tế có vai trò rất quan trọng trong phòng chống dịch. Thế nhưng đáng tiếc, trong đợt dịch này, mặc dù tình hình nghiêm trọng hơn nhưng tỷ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin lại rất lớn - là chia sẻ của Phó Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid -19 Nguyễn Thế Trung.

Từ thực tiễn công việc của mình từ đầu đợt dịch này đến nay, ông Trung dẫn chứng, tới 20% các F0 không hợp tác trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Có người tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc thành viên tổ truy vết. Nguyên nhân có thể do người dân hoảng loạn, lo lắng dẫn tới hành động tắt máy, chặn số của Bộ Y tế hoặc có những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ - ông Trung lý giải.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid - 19 nhấn mạnh thêm: Đội ngũ truy vết các F0 đã gặp rất nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch lần này rất phức tạp, số lượng bệnh nhân dương tính cao kỷ lục. Vậy nhưng hiện mới chỉ có dưới 1% số lượng F1 chủ động liên hệ khai báo. Các F1, F2 còn lại do các thành viên trong tổ truy vết chủ động tìm kiếm...

Ở góc nhìn khác, hành vi không đi qua vùng dịch nhưng lại khai là có - có thể coi là “biến tướng” trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp khó lường hiện nay. Về mặt “tích cực” có thể coi đây là những người có trách nhiệm với bản thân và cả cộng đồng - nhưng lại không đúng cách, làm ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch, thậm chí là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính.

Quan trọng hơn, những hành vi dạng “khôn lỏi” như đã xảy ra ở TP Hà Nội cần sớm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có chế tài mạnh hơn để đủ sức răn đe, tránh làm phức tạp thêm tình hình.

Cần nhắc lại rằng, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid - 19 cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, không vì sự lơi lỏng của một số bộ phận chống dịch; sự thoải mái, không nhận thức đầy đủ của một số cá nhân mà gây nguy hại cho cộng đồng.

Vậy nên, cần thiết phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình không khai báo, khai báo gian dối hoặc không chấp hành các quy định, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ