Trừ sâu bằng xoan Ấn Độ

GD&TĐ - Nhận thấy tiềm năng hoạt chất của cây xoan Ấn Độ, TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) đã nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học.

Nhóm nghiên cứu tại Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Nhóm nghiên cứu tại Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Về nước để nghiên cứu tốt hơn

Năm 2009, Dương Nguyễn Hồng Nhung nhận được học bổng đại học tại Uninersity of Oklahoma (Mỹ). Cô gái sinh năm 1990 lên đường du học chuyên ngành kỹ thuật hóa học, sau đó là học lên thạc sĩ rồi tiến sĩ cũng tại trường này.

Sau gần 10 năm học tập ở Mỹ, năm 2018, Nhung trở về Việt Nam với dự định nghỉ ngơi ít ngày trước khi bước vào chặng đường công việc mới. Thời điểm này, cô được mời ở lại trường để tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy.

Khi về Việt Nam, cô quyết định ở lại. “Hướng nghiên cứu của tôi là các sản phẩm thảo mộc, tự nhiên. Tôi nhận thấy ở Việt Nam, tôi có điều kiện tốt hơn để thực hiện đam mê của mình”, Nhung nói.

Cây xoan Ấn Độ (cây neem) tên khoa học Azadirachta indica A.Juss thuộc họ Xoan (Meliaceae) xuất xứ từ Ấn Độ, được trồng đại trà thành rừng ở khắp nước này và là nguồn lợi rất lớn của Ấn Độ.

Từ năm 1960, cây neem đã nổi tiếng trên khắp thế giới do từ hạt cây neem các nhà hóa học đã trích được một số hoạt chất Azadirachtin limonoid có tác dụng diệt trừ côn trùng rất có hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã mang cây neem về trồng trên đất nước họ để sử dụng. Hai sản phẩm Neem Azal và Neem Azal F sản xuất từ hạt cây neem tại Đức được bán khắp châu Âu.

Năm 1975, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã xây dựng kế hoạch trồng cây neem trên khắp nước Mỹ và đã bán ra trên khắp nước Mỹ 2 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trích từ hạt cây neem, với tên thương mại Margosan-O và Izatin.

Nhiều nghiên cứu khẳng định giá trị của cây neem trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, diệt trừ sâu rầy và nấm bệnh phá hại cây trồng. Đến nay người ta đã xác định được trên 15 azadirachtin limonoid trong hạt cây neem, trong đó có khoảng 6 chất có cấu trúc và tác dụng tương tự như azadirachtin chỉ gồm các nguyên tố C, H, O, N không có nhóm độc tính khác được gọi chung là azadirachtin limonoid (AZL)

Giữa 2019, Nhung bắt tay tìm hiểu về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam. Cô giật mình bởi người dân sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu mà ít quan tâm đến tác hại của nó.

Từ đó, Nhung cảm thấy mình phải có trách nhiệm tạo ra sự thay đổi. Chia sẻ ý tưởng với các giảng viên từ Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Ngoại thương Hà Nội… Nhung nhận được sự đồng tình và cùng hợp tác nghiên cứu.

Mong sớm đưa ra thị trường

Sản phẩm trừ sâu hữu cơ đạt hiệu quả cao.

Sản phẩm trừ sâu hữu cơ đạt hiệu quả cao.

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cho biết, nhóm đã chọn hướng đi chưa có ai làm. Dầu neem sau khi được thu hoạch bằng cách ép từ hạt, nhóm đưa vào nhũ hóa để giúp dầu tan trong nước.

Quá trình nhũ hóa này, nhóm sử dụng nhiều công đoạn khác nhau, trong đó có đưa năng lượng sóng siêu âm vào để phá vỡ sự liên kết của các hạt dầu, hình thành kích thước nano từ 1 - 100 nanomet. Để tránh các hạt nano này dính vào nhau, nhóm đưa dung dịch về làm bền ở kích thước trên.

Các chất nhũ hóa được nhóm đưa vào có thành phần tự nhiên như dầu thực vật từ các loại cây, hạt, quả bồ hòn. Chất nhũ hóa có tác dụng bọc các hạt nano neem, tạo ra tính thẩm thấu cao, hoạt tính sinh học tăng hơn, tác dụng trừ sâu tốt hơn dù sử dụng ít dầu neem hơn.

Nhóm đã thử nghiệm trên diện tích trồng chè hơn 1.000 m2 ở Bắc Giang. Kết quả cho thấy, chế phẩm diệt hiệu quả rầy xanh và nhện đỏ vào mùa đông, diệt bọ cánh to và bọ trĩ vào mùa hè. Giá thành khi sử dụng chế phẩm này tương đương với các loại thuốc trừ sâu sinh học khác trên thị trường, và rẻ hơn khoảng 3 lần so với chế phẩm trừ sâu sinh học neem có trên thị trường. Nanoneem có giá 350.000 - 400.000 đồng/lít.

Dù đạt hiệu quả cao khi triển khai trên thực tế song TS Nhung cũng cho biết, thuốc trừ sâu sinh học vẫn còn những điểm yếu như cần nhiều thời gian hơn để đạt hiệu quả, trong khi lại kém bền hơn so với thuốc hóa học.

“Nhưng điểm yếu cũng là điểm mạnh, khi thuốc không tồn tại lâu trong môi trường, không tích tụ vào đất, nước, do đó không gây ô nhiễm”, TS Nhung nói.

TS Bùi Thị Hồng Hà, Viện Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, nanoneem là dự án có nhiều ưu điểm. Hiện, nguyên liệu dầu neem trong nước không nhiều, ít doanh nghiệp sản xuất vì đặc tính của quả neem là không chín cùng lúc, không có mùa vụ thu hoạch.

Quả rụng xuống phải được nhặt ngay mới thu hoạch được dầu. Từ nguyên liệu dầu neem thô hạn chế, việc điều chế dầu neem dạng nano sẽ giúp người nông dân sử dụng ít dầu hơn gấp 10 lần trên một diện tích mà tác dụng phòng trừ sâu bệnh vẫn thế.

Trong khi dầu neem thô có mùi cực khó chịu, dễ gây nôn mửa khi ngửi thì nanoneem có mùi thơm rất dễ chịu. Tuy nhiên, nhược điểm của nanoneem theo TS Bùi Thị Hồng Hà là không bảo quản được lâu. Sau 6 tháng, nanoneem sẽ bị suy giảm tính chất.

Theo TS Nhung, có thể làm nông nghiệp không dùng đến thuốc trừ sâu hóa học. Không có loại thuốc nào có thể trị được tất cả các loại sâu bệnh. Do đó cần phải có sự kết hợp giữa các thuốc, thảo mộc, vi sinh vật, thiên địch và cả các biện pháp vật lý (bao bọc, lưới chắn…) khác, tạo sự hài hòa sinh thái cho cây trồng. Chỉ khi các phương pháp này trở nên đơn giản, rẻ tiền, người nông dân mới không ngại áp dụng, từ đó mới có nền nông nghiệp sạch.

“Khi bạn trồng 1 chậu cải trong nhà để cải lên xanh tốt không sâu bệnh thì dễ, nhưng để làm cả chục ha đều xanh tốt thì là cả một câu chuyện dài, cần rất nhiều chuyên môn khác nhau”, TS Nhung nói. Do đó, để phát triển nông nghiệp sạch, cần sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học đa ngành.

Hiện nhóm nghiên cứu sản phẩm nanoneem cũng đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất, hy vọng năm 2021 sẽ có mặt trên thị trường. Khi đó, nhóm sẽ tập trung cải tiến công nghệ để sản xuất ở quy mô lớn, phục vụ thị trường vì một nền nông nghiệp xanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.