Trong nỗi đau xe lao vực, có những anh hùng thầm lặng

Trong nỗi đau xe lao vực, có những anh hùng thầm lặng

Lời phụ xe trước khi lao vực: Cháu đi đây nhé

Rạng sáng 11/7, xe khách giường nằm 48 chỗ BKS: 36B - 022.32, do tài xế Mai Hải Nam (39 tuổi, trú tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. Xe chạy từ tỉnh Thanh Hóa đi Đắk Lắk. Trên xe chở theo 40 người (gồm 5 người nhà xe, 26 hành khách lớn và 9 trẻ em). Khi chạy đến Km số 23+900 QL14C (thuộc địa phận xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) thì lao xuống vực sâu hơn 30 m. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 6 người và khiến 34 người bị thương.

Sau vài ngày xảy ra vụ tai nạn, ở khu vực xe lao xuống vực vẫn còn tàn tích của những mảnh kính vỡ, đồ đạc, chăn, gối… Những thân cây, ngọn cỏ bị đổ rạp cả một vùng. Những nén nhang còn nghi ngút khói vẫn đang được thắp.

Chiếc xe gặp nạn cũng đã được kéo về để ở Trạm bảo vệ rừng Đăk Rơ Mao (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) cách hiện trường 5 km. Thân xe biến dạng, cửa kính bị vỡ vụn. Đất cát, cây cỏ và máu bám đầy trần, ghế xe.

Ông Chu Văn Bàn (51 tuổi, nhân viên trạm kiểm soát liên ngành Đắk Rơ Mao (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) trong nhóm người đầu tiên tiếp cận hiện trường. Ông vẫn nhớ như in giây phút cõng nạn nhân đầu tiên lên đường.

"Khoảng 4 giờ 20 phút sáng 11/7, chủ tịch xã Rời Kơi gọi dồn dập vào số máy tôi. Ông thông báo có vụ tai nạn xe khách cách trạm khoảng 5km. Tôi cùng 2 nhân viên nữa lập tức đến hiện trường. Khi đến nơi tôi đã thấy một số nạn nhân ngồi bần thần trên đường, quần áo dính đầy đất, cây cỏ và máu. Ai nấy đều bàng hoàng lo lắng. Có cả những tiếng khóc ré lên vì đau đớn ở dưới vực", ông Bàn kể.

Ông cùng 2 nhân viên của trạm soi đèn hướng theo tiếng khóc. Đến nơi ông thấy chiếc xe khách lật ngửa, toàn bộ cửa kính vỡ vụn. Phía trong hành khách, đồ đạc ngổn ngang. Ông Bàn nhớ chiếc xe khách này vừa qua trạm khoảng 20 phút. Khi đó, phụ xe còn xuống xin đi qua và chào "Cháu đi đây nhé".

"Khi đó, có rất nhiều nạn nhân bị mắc kẹt bên trong xe. Thoáng nhìn, tôi thấy một người phụ nữ gần mình không thể di chuyển được. Tôi vội gỡ những chướng ngoại vật rồi kéo bà ấy ra khỏi xe. Một tay giữ bà ấy trên vai, một tay bám vào bờ vực để bò lên đường. Bà ấy mệt lả nhưng vẫn cố nói: "Còn cháu gái 8 tuổi của tôi đang mắc kẹt dưới đó nữa. Cứu cháu tôi với". Lập tức tôi lao xuống đưa cháu của bà ấy lên bờ. Đứa nhỏ đau đớn, yếu ớt nằm bẹp", ông Bàn kể.

Khi ông Bàn cùng mọi người đã đưa được một số nạn nhân lên đến đường thì lực lượng chức năng cũng đến đông hơn. Ông vội chạy về trạm lấy chiếc võng cũ của mình để khiêng các nạn nhân từ dưới vực lên.

"Tôi có tuổi rồi, không nghĩ mình có sức khỏe để cõng các nạn nhân từ dưới vực sâu khoảng 30m lên đường. Lúc đó, thâm tâm tôi chỉ biết phải thật nhanh để đưa các nạn nhân thoát khỏi xe. Tôi thấy thương cho 6 nạn nhân xấu số phải bỏ mạng nơi rừng xanh, hẻo lánh này", ông Bàn chia sẻ.

Máu nhuốm đỏ những người cứu nạn

Ngày 13/7, bác sĩ Võ Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cho biết, hiện tại bệnh viện đang tích cực điều trị cho 7 bệnh nhân trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Sa Thầy vào ngày 11/7.

Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân Phạm Thị Khuyên (29 tuổi, ở huyện Sa Thầy) và Nguyễn Văn Kiên (45 tuổi, quê Thanh Hóa) đang diễn biến nặng.

Bác sĩ Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi cho biết, bệnh viện vẫn đang theo dõi và điều trị cho 23 trường hợp. Hiện, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định. Riêng 4 trường hợp bị thương nhẹ bệnh viện đã cho xuất viện vào sáng ngày 13/7.

Cũng trong nhóm có mặt sớm nhất tại hiện trường, anh A Lăk (23 tuổi, dân quân xã Rờ Kơi) cho hay, chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng hãi hùng như vậy.

"Tôi cáng những nạn nhân bị thương lên đường để đi cấp cứu trước. Sau đó là những nạn nhân xấu số không qua khỏi. Cảnh tượng xe bẹp, gãy nát cùng máu me ám ảnh tôi những ngày qua", anh A Lăk nói.

"Lúc lực lượng chức năng đến đông, mọi người dồn lực nâng sườn bên trái của xe để cứu lấy người đàn ông. Sau đó, khung xe bên phải được nâng lên để đưa thi thể cháu bé 7 tuổi ra ngoài. Nhìn thấy cảnh tượng ấy ai nấy đều xót xa", anh A Lăk tiếp lời.

Đến khoảng 8 giờ tất cả các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Khi đó lực lượng cứu nạn, cứu hộ cũng mệt lả. Một số người ăn tạm gói mì tôm sống, uống nước để lấy lại sức. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại, máu nhuốm đỏ quần áo.

"Chúng tôi cố gắng ứng cứu thật nhanh để giữ mạng sống cho các nạn nhân. Nhưng tiếc thay có 6 người đã phải bỏ mạng. Họ đều là những người lao động, có cả trẻ em… Tôi thấy thương cho họ. Ước gì….", anh A Lăk bỏ lửng.

Hành khách nhắc tài xế chạy chậm bất thành

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đến kiểm tra hiện trường. Ông ghi nhận sự nỗ lực cứu nạn của người dân, lực lượng chức năng và các y bác sĩ. Ông đề nghị các cơ quan ban ngành của tỉnh Kon Tum quan tâm, hỗ trợ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trong vụ tai nạn.

Theo cơ quan điều tra, tài xế và phụ xe đều âm tính với nồng độ cồn và ma túy. Riêng phụ xe Trần Minh Tú (đã chết, quê Thanh Hóa) dương tính ma túy. Qua điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định khi xảy ra tai nạn xe khách hộp số ở trạng thái số 4. Dữ liệu ghi nhận, tốc độ cuối cùng của ô tô lúc 3 giờ 38 phút sáng 11/7 là 65 km/h, trước đó 10 giây là 59 km/h. Tài xế khai xe bị mất phanh và lúc tai nạn chỉ chạy 35 km/h. Tuy nhiên, nhiều hành khách trên xe cho biết, xe chạy rất nhanh, có người nhắc nhở tài xế chạy chậm lại nhưng bất thành.

Sở GTVT Kon Tum cho biết, xe khách gây tai nạn đăng ký chạy tuyến Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vị trí xảy ra tai nạn nằm trên Quốc lộ 14C đang trong quá trình thi công, chưa đưa vào lộ trình cho phép xe khách liên tỉnh khai thác. Do đó, việc xe khách đi theo tuyến Quốc lộ 14C là không đúng với lộ trình đăng ký.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.