'Trông người lại ngẫm đến ta' nhìn từ doanh thu Avatar 2 tại Việt Nam

GD&TĐ - Tính đến chiều 28/12, theo thống kê của Box Office Vietnam, phim Avatar 2 đã thu về gần 181 tỷ đồng tại hệ thống rạp nước ta.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Chỉ trong hai ngày cuối tuần, doanh thu siêu bom tấn của James Cameron tại Việt Nam đã lên tới 70 tỉ đồng. Con số này vượt xa hai phim nội địa ra mắt cùng thời điểm là Thanh Sói: Cúc dại trong đêm (7,7 tỷ đồng) và Đảo độc đắc: Tử mẫu Thiên linh cái (7,3 tỷ đồng).

Các suất chiếu định dạng 3D, đặc biệt Imax 3D đã lấp đầy từ rất sớm. Khán giả, chủ yếu là các bạn trẻ náo nức xếp hàng, chờ đợi.

Sở dĩ có hiệu ứng đó, bởi sức nóng từ Avatar 1 quá lớn. Phía nhà sản xuất, nhà phát hành cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về truyền thông cho sự xuất hiện của Avatar 2 trên toàn thế giới. Và dù Avatar 2 không đáp ứng được kỳ vọng như với Avatar 1, thì đó vẫn là siêu phẩm điện ảnh không thể bỏ lỡ, với hiệu ứng tuyệt vời về hình ảnh, kỹ xảo.

Sự xuất hiện của Avatar 2 vào những ngày cuối cùng của năm 2022 khiến cho các bộ phim ra rạp thời điểm này trở nên bé nhỏ, trong đó có phim Việt.

Sẽ là bất công nếu so sánh những tác phẩm - sản phẩm điện ảnh kỳ vĩ như Avatar với các tác phẩm - sản phẩm phim Việt. Cũng đừng nên ngậm ngùi kiểu “bao giờ chúng ta mới làm được như thế”. Ở đây, mọi so sánh đều khập khiễng. Bởi ngay trong khu vực Đông Nam Á thì điện ảnh của chúng ta vẫn nhạt nhòa.

Những năm qua, những người làm điện ảnh trong nước đã nỗ lực rất nhiều, với khát vọng về phim trăm tỉ, khát vọng về một nền điện ảnh chuyên nghiệp đem lại doanh thu và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Song ở góc độ cơ bản nhất, chúng ta thấy gì? Một nền điện ảnh yếu ớt, thiếu tiềm lực và đặc biệt, thiếu tính kết nối.

Chúng ta thiếu kết nối ở tất cả các khâu. Từ sản xuất đến quảng bá, phát hành. Những ví dụ thành công ngoài rạp chiếu là những ví dụ rời rạc và đứt đoạn.

Hơn nữa, muốn xây dựng một nền móng vững chãi, chuyên nghiệp, thì bản thân điện ảnh phải có kết nối với các ngành công nghiệp và văn hóa, giải trí khác, có như vậy mới tạo được sức mạnh của sự lan tỏa.

Phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc là một điển hình gần gũi sinh động cho điều này. Họ xuất khẩu phim đi cùng với quảng bá, xuất khẩu về du lịch, ẩm thực, thời trang, âm nhạc, mỹ phẩm, xe hơi, điện thoại…

Tất cả nhuyễn vào nhau, tôn giá trị của nhau, đem tới hình ảnh một đất nước hiện đại, năng động với các giá trị văn hóa đại chúng. Và tất nhiên, doanh thu từ điện ảnh đi cùng với doanh thu các lĩnh vực công nghiệp, văn hóa khác.

Có được sự phát triển ấy, trước tiên phải xuất phát từ những chiến lược, chính sách phát triển văn hóa đồng bộ và kết nối, với các bước đi trước sau nhịp nhàng, lớp lang.

Thời gian gần đây, chúng ta nói nhiều đến công nghiệp văn hóa, đến sức mạnh và tiềm năng của điện ảnh trong việc đem lại lợi nhuận cả về vật chất và tinh thần. Song các nhà làm phim vẫn đơn độc trước mỗi dự án, những bộ phim ra rạp vẫn ế ẩm và con đường đến với thế giới vẫn đầy lạ lẫm, chông chênh.

Thay vì những phát biểu trên các diễn đàn, cần lắm sự kết nối đến từ những chính sách, những việc làm cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.