Trồng hoa sữa ở bãi rác Nam Sơn không có hiệu quả ngăn mùi

Những ngày qua, dư luận Thủ đô xôn xao về việc đánh chuyển 96 cây hoa sữa từ nội thành để trồng cạnh Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn, với mục đích ngăn mùi của bãi rác này.

96 cây hoa sữa được đánh chuyển từ phố Trích Sài lên trồng ở khu vực bãi rác Nam Sơn. Ảnh: dantri.com.vn
96 cây hoa sữa được đánh chuyển từ phố Trích Sài lên trồng ở khu vực bãi rác Nam Sơn. Ảnh: dantri.com.vn

Việc làm này đã nhận được nhiều luồng dư luận khác nhau, nhưng tựu chung nhiều ý kiến chuyên gia nhận định là không có hiệu quả ngăn mùi từ bãi rác lớn nhất Thủ đô.

Theo kế hoạch được giao, Ban Quản lý dự án hồ Tây sẽ di chuyển 96 cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về trồng trong khu vực bãi rác Nam Sơn. Ban này có trách nhiệm chăm sóc trong 2 năm, đảm bảo cây sống khỏe, xanh tốt sẽ bàn giao cho bãi rác quản lý.

Dự kiến, việc cắt tỉa, đánh gốc, di chuyển và trồng lại cây tại các vị trí đã bị đánh chuyển hoàn thành trong tháng 8/2019. Về nguồn kinh phí để đánh chuyển hoa sữa và trồng cây mới thay thế sẽ được lấy từ ngân sách của quận Tây Hồ, với số tiền khoảng vài trăm triệu đồng.

Chuyên gia Lê Huy Cường, đang sinh hoạt tại Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, cây hoa sữa được trồng nhiều ở Hà Nội. Vào mùa hoa nở rộ, hương của cây hoa sữa nồng nặc, gây dị ứng da, dị ứng đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của một số người dân khu vực nội thành. Việc đánh chuyển cây hoa sữa ở đường Trích Sài để giảm mùi là hết sức bình thường, nhằm giảm bớt sự nồng nặc của hoa sữa khi nở đúng mùa. Việc làm này sẽ giảm mùi khó chịu cho khu dân cư, khi mùa hoa sữa nở.

Nói về việc đánh chuyển cây hoa sữa lên trồng ở bãi rác Nam Sơn, chuyên gia về lâm nghiệp Lê Huy Cường nhìn nhận, đây là ý tưởng lạ lùng và khó hiểu. "Hoa sữa một năm chỉ ra một mùa hoa, từ 15 đến 30 ngày, trong thời điểm cây ra hoa, có thể sẽ giảm mùi ở bãi rác. Song còn lại 11 tháng trong năm, cây không có hoa thì sẽ thế nào. Tôi nghĩ đây là việc làm không cần thiết", ông Cường nhấn mạnh và cho biết thêm, để ngăn mùi và cải tạo không khí, cảnh quan quanh bãi rác, nhà quản lý đã cho trồng cả rừng keo ở xung quanh, còn gần trăm cây hoa sữa trồng ở bãi rác sẽ không đem lại tác dụng.

Chuyên gia Lê Huy Cường phân tích về việc trước đây người Pháp trồng cây ở Hà Nội, bên cạnh cây hoa sữa là các cây sấu, cây nhội. Với cách làm đó, khi sữa ra hoa, chỉ tạo ra mùi hương thoang thoảng rất dễ chịu. Còn ngược lại ở ta, khi trồng hoa sữa là những hàng dày đặc tại một số đường phố, dẫn tới hiệu quả ngược, đến mức phải đánh chuyển, tốn công sức, tiền bạc và thời gian.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị - Đại học Lâm nghiệp, nếu mục đích của kế hoạch đánh chuyển cây hoa sữa là để khử mùi hôi ở bãi rác lớn nhất Hà Nội sẽ không khả thi, cần xem lại hiệu quả và chưa có nghiên cứu nào đề cập đến nội dung trên.

Để hạn chế việc phát tán mùi hôi của bãi rác, cần phải có giải pháp trồng tạo thành tường chắn, phải chọn dải cây theo hướng cản gió, trồng so le nhau mới hạn chế phát tán mùi hôi theo hướng gió.

Nhìn nhận về bài toán kinh tế, một chuyên gia tài chính cho rằng không hiệu quả. Bởi lẽ, đây mới chỉ là một tuyến đường đánh chuyển cây hoa sữa, trong trường hợp nhiều tuyến đường cùng có nguyện vọng đánh chuyển thì ngân sách Nhà nước sẽ phải gánh chịu, cả việc đánh chuyển lẫn trồng mới.

Trong khi đó, lẽ ra có thể làm theo cách làm khác hiệu quả hơn, đó là đánh tỉa, trồng bù. Thay vì chọn đưa cây lên bãi rác Nam Sơn xa mà không hiệu quả trong việc ngăn mùi, nhà quản lý có thể đưa những cây đến trồng ở khu đô thị mới, tuyến đường mới với phương thức mỗi nơi trồng rải rác một vài cây hoặc đưa đến công viên nào đó sẽ hiệu quả hơn về kinh tế.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ