Nhàn như trồng dâu tây
Không cần phải vất vả chăm sóc, tưới bón, người nông dân trồng dâu tây có thể điều khiển tự động hoàn toàn bằng hệ thống IoT. Đây là sản phẩm của Công ty TNHH CloudFERMI, 425/38 Nguyễn Đình Chiểu, F5, Q3, TPHCM vừa được trưng bày giới thiệu tại Techmart Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch năm 2022, tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
KS Lê Xuân Huy cho biết, IoT (Internet of Things) có thể được hiểu liên kết các thiết bị vật lý với nhau bằng Internet từ đó thu thập và chia sẻ dữ liệu với nhau. Ứng dụng IoT con người có thể làm được những việc cần độ chính xác và tính toán rất cao, lưu trữ và cung cấp thông tin liên tục mà không cần đến sự can thiệp thường xuyên của con người. Với việc áp dụng công nghệ IoT vào nông nghiệp, người nông dân đã có thể xây dựng một nông trại với khả năng tự động hóa hoàn toàn.
Để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tiết kiệm nhân công lao động trồng dâu tây, chi phí sản xuất, cần áp dụng các công nghệ tự động hóa như IoT vào trồng trọt.
Khác với những cây trồng dưới nền đất, cây dâu tây và cà chua trồng trên giá thể rất nhạy cảm với môi trường vùng rễ, rễ cây sẽ không phát triển tốt khi độ EC, pH trong giá thể quá cao hay quá thấp. Nếu không được giám sát chặt chẽ lượng phân bón và nước tưới thì cây rất dễ bị cháy rễ và cháy lá ảnh hưởng lớn đến kết quả mùa vụ.
Chỉ cần chiếc điện thoại smartphone, người nông dân có thể quan sát được toàn cảnh nông trại. Các hoạt động ở vườn như tưới nước, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, ánh sáng… đều có thể được thực hiện tự động và thao tác ngay trên điện thoại mà không cần tới vườn.
Với hệ thống tự động, nguồn nước và điện sử dụng cũng được tính toán sao cho phù hợp nhất cho cây trồng nên sẽ không xảy ra lãng phí như tưới bằng tay. Ngoài ra hệ thống còn có thể tận dụng lại nguồn nước để phục vụ các mục đích khác trong vườn.
Hệ thống có bộ điều khiển nhiệt độ, giải pháp giám sát, điều khiển tự động, thông minh cThings IoT cho nhà vườn trồng dâu, sẽ giúp chủ vườn theo dõi sát sao nhiệt độ vườn dâu, độ ẩm đất và không khí, cường độ ánh sáng và thời gian chiếu sáng trong vườn, giúp tự tưới nước vườn dâu khi độ ẩm đất xuống dưới ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, giải pháp còn cho phép theo dõi pH, nếu dưới ngưỡng nào đó thì tự tưới dung dịch ổn định pH hoặc gởi cảnh báo; Theo dõi EC, nếu xuống ngưỡng nào đó thì tưới phân tự động. Đồng thời, theo dõi mưa để bật bơm tưới trung hòa acid ngừa sâu bệnh, hoặc bật bơm từ xa, hẹn giờ...
Thiết bị giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm có cơ chế hẹn giờ, nhiệt độ, độ ẩm linh hoạt, có thể giám sát, điều khiển từ xa qua Internet bằng ứng dụng trên điện thoại.
Giải pháp của CloudFERMI được nhiều nhà vườn trồng dâu Đà Lạt ứng dụng, giúp người trồng kiểm soát tốt độ ẩm, nhiệt độ, pH… để có hướng xử lý nhanh chóng, kịp thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông trại.
Tăng đầu tư công nghệ, giảm chi phí phân bón
TS Lê Minh Hùng (Giám Đốc – Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, với mô hình nông nghiệp hiện đại, việc áp dụng IoT trong nông nghiệp đang là xu hướng toàn cầu. Iot không chỉ giúp gia tăng năng suất và chất lượng, giảm chi phí và tài nguyên mà còn có thể thu nhập, chuyển đổi số liệu, tổng hợp và phân tích thống kê.
Hiện nay, đất nông nghiệp đang bị quy hoạch để đầu tư vào các dự án, khai thác tài nguyên, khu công nghiệp… Làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm đi.
Song song với đó thì nhu cầu về lương thực thực phẩm của thế giới ngày càng tăng. Đất đai ngày càng đi xuống do khâu canh tác không đúng kỹ thuật, thiếu khoa học, cộng thêm biến đổi khí hậu.
Ứng dụng IoT vào nông nghiệp ra đời giúp người nông dân kiểm soát, theo dõi sản phẩm và điều kiện cũng như tình hình canh tác theo thời gian thực. IoT trong nông nghiệp thu nhập các thông tin, số liệu và dự đoán trước các vấn đề như dịch bệnh, sự phát triển của cây…
Để người nông dân đưa ra quyết định kịp thời. Áp dụng IoT vào nông nghiệp giúp tiết kiệm được thời gian và công sức lao động hơn thông qua quy trình tự động hóa. Như tưới cây, bón phân, robot thu hoạch tự động…
Các mô hình trồng cây, rau trong nhà kính và thủy canh ra đời dựa trên IoT trong nông nghiệp để cung ứng kịp thời cho thị trường các sản phẩm loại trái cây và rau ngắn ngày ví dụ như xà lách, rau muống, dâu tây…