Trọn niềm vui

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước đây, Tết Trung thu với nhiều học sinh vùng khó là điều xa vời, thậm chí các em không biết ý nghĩa của dịp này là gì.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Với nhiều em, được phá cỗ, rước đèn ông sao, xem múa lân… là việc xa xỉ. Bồi hồi nhớ lại nhiều năm trước, thầy Lê Xuân Thiều, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (buôn Thu, xã Eatrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) chia sẻ, học sinh nhà trường, nếu có biết về Trung thu, cũng chỉ nhờ xem qua tivi, nghe đài, chứ chưa từng được tận mắt chứng kiến. Mà ở vùng đặc biệt khó khăn, đâu phải gia đình nào cũng có đài, tivi để biết về Trung thu từ xa như thế…

Nhưng, mọi chuyện giờ đây rất khác.

Cuộc sống thay đổi, học sinh nghèo, vùng khó khăn ngày càng được quan tâm. Không chỉ là nỗ lực của nhà trường, nhiều nguồn lực xã hội, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung tay chăm lo để không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau; trong đó có việc tổ chức cho các em Trung thu ấm áp, ý nghĩa. Nhờ sự quan tâm, chăm lo này, ngay từ đầu tháng 8 (âm lịch), không khí vui Tết Trung thu đã khởi động ở các địa phương. Nhiều đoàn thể, nhóm thiện nguyện đưa chương trình về sớm với học sinh, trẻ em hoàn cảnh khó khăn.

“Mang ánh trăng về”, “Đêm hội trăng rằm”, “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”, “Ánh trăng xứ lụa”, “Trung thu nhân ái”, “Trung thu yêu thương”, “Tết Trung thu - Tết của sẻ chia”, “Vui Trung thu - cùng em đến trường”, “Tết Trung thu - Tết của tình yêu thương”, “Vui Tết Trung thu cùng trẻ em nghèo”, “Vui Trung thu - nhớ Bác Hồ”… khó có thể kể hết chương trình đã và đang mang đến niềm vui tinh thần quý giá cho trẻ em nói chung, trẻ vùng khó nói riêng.

Nhưng có một điểm chung ấm lòng, đó là các hoạt động ngày càng thực chất, thiết thực, hướng về trẻ em và đúng nghĩa chương trình Tết cho thiếu nhi. Không chỉ được sống trong không khí Trung thu với đèn ông sao, múa lân, các trò chơi vui nhộn, phá cỗ…, học sinh nghèo còn được nhận những phần quà ý nghĩa: Sách, vở, đồ dùng học tập, xe đạp, các suất học bổng… Đó là sự động viên kịp thời, tạo thêm động lực để mỗi em thêm nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống; đặc biệt góp phần tạo dựng cho các em niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Giờ đây, học sinh Trường Tiểu học và THCS Ea Trol không còn rụt rè, bỡ ngỡ, hay sợ hãi như lần đầu được xem múa sư tử. Thầy Lê Xuân Thiều thông tin, 5 năm nay, với sự thay đổi trong chính sách và nỗ lực của nhà trường, thầy cô, trường đã tổ chức được “Đêm hội trăng rằm” cho học sinh.

Nhờ đó, các em thực sự biết thế nào là phá cỗ; nhìn thấy đèn ông sao, xem múa lân ngoài đời thực, “từ ngỡ ngàng, các em chuyển sang hứng thú và tan tiệc còn tiếc nuối”. Năm nay, trường đón đoàn thiện nguyện, mang đến cho học sinh 500 chiếc đèn lồng và 1.500 cuốn vở. Thật vui khi sự thay đổi này không chỉ ở Ea Trol.

Không còn thụ động đón nhận sự quan tâm, nhiều trường vùng khó đã biến dịp này thành cơ hội để học sinh được trải nghiệm. Những cuộc thi do trường tổ chức như làm mâm ngũ quả, đèn lồng… giúp trò phát triển kỹ năng, học mà chơi, chơi mà học.

Tất nhiên, đâu đó vẫn còn trăn trở khi một số đơn vị tổ chức Trung thu không hẳn chỉ vì học sinh mà có động cơ cá nhân, lấy hình ảnh, quảng bá cho doanh nghiệp. Hoặc rà soát chưa đủ cẩn thận, kỹ lưỡng, nên nơi thì quá nhiều đoàn về thăm, nơi lại ít sự quan tâm. Khắc phục được những hạn chế đó, Trung thu cho học sinh vùng khó càng thêm trọn vẹn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ