Đặc biệt, tình trạng trẻ em không được quan tâm thúc đẩy học tập từ chính gia đình cũng khiến các nhà trường, thầy cô phải đối diện nhiều hơn với nhiều nhiệm vụ, trọng trách khó khăn.
Về nơi ma túy hoành hành
Ẩn mình bên dãy núi Pha Luông huyền thoại, Lóng Sập – xã biên giới nghèo với tổng diện tích tự nhiên trên 10ha, trên 4.000 dân số và 5 dân tộc anh em cùng chung sống. Nghề phụ chưa phát triển nên bà con nơi đây vẫn chỉ sản xuất nông nghiệp làm chính và mức thu nhập còn thấp.
Thế nhưng, khó chồng khó khi tội phạm chọn Lóng Sập là cung đường vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam đi các tỉnh phía Bắc và sang các nước thứ 3. Chính vì vậy, số người dân bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường nghiện hút, tội phạm vận chuyển mua bán ma túy ngày càng tăng.
Theo thống liệu thống kê từ công xã Lóng Sập, 9 tháng đầu năm toàn xã có tổng số 315 người nghiện; trong đó đang cai theo Nghị định 221 là 61 người; Quản lý giáo dục tại xã theo nghị định 111 là 50 người; Có mặt tại địa phương 147 người; Đi làm ăn xa 81 người; Vi phạm pháp luật bị bắt là 26 người; đang uống Methadon (một loại thuốc cai nghiện): 14 người… 9 tháng đầu năm cơ quan chức năng đấu tranh triệt phá được 6 vụ với tang vật thu giữ 12,12 gam heroin và 4.213 viên ma túy tổng hợp.
Bữa ăn trưa trong khuôn viên trường của HS bán trú Lóng Sập Ảnh: Thanh Long |
Ông Mè Văn Khun – Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Sập cho biết: Tình trạng ma túy trên địa bàn diễn ra phức tạp. Một trong những nguyên nhân quan trọng bởi đường biên các nước sát nhau, đường tiểu ngạch nhiều khó kiểm soát. Trong khi đó các hoạt động mua bán ma túy ngày càng tinh vi, tội phạm nguy hiểm có thể sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, tới nay dù đã phá được một số vụ án ma túy lớn nhưng chưa thể triệt để.
Hiện nay tình trạng mù chữ tại xã Lóng Sập còn khá nhiều và chủ yếu rơi vào số người lớn tuổi. Điều đó tác động tới sự nhận thức các vấn đề xã hội hạn chế, nhiều bà con bị lôi kéo vào con đường nghiện hút, mua bán, vận chuyển ma túy mà không ý thức hết tác hại sự nguy hiểm.
Ma túy đã và đang khiến cuộc sống, kinh tế của nhiều gia đình tại xã Lóng Sập thêm khó khăn, trẻ em bị bỏ bê học hành. Nhiều trẻ nhỏ trong tình cảnh chị em tự trông nhau; người thân, ông bà già yếu phải cưu mang cháu nhỏ; bố mẹ người mất vì nghiện ma túy, người đi tù vì tham gia vận chuyển buôn bán chất ma túy. Trường lớp, thầy cô phải gánh vác hoàn toàn mà không có sự hỗ trợ từ phía gia đình.
Điểm trường A Lá của Trường Tiểu học Lóng Sập Ảnh: Thanh Long |
Khi giáo dục thiếu một chân kiềng
Có lẽ, với đặc thù riêng, giáo dục Lóng Sập là một trong những địa phương hiếm hoi phải đối diện với nhiều khó khăn cùng lúc như hiện nay.
Xã Lóng Sập thuộc diện khó khăn nên tỉ lệ HS diện hộ nghèo khá đông; Nhiều HS không thuộc diện thụ hưởng chế độ bán trú xã vùng 3 nên các em phải tự túc nấu ăn. HS tại xã 99% là con em đồng bào dân tộc nên nhận thức của phụ huynh còn hạn chế; trách nhiệm giáo dục vẫn khoán trắng cho thầy cô. Điều đó khiến nhà trường không ngừng phát huy vai trò trách nhiệm, tăng cường giáo dục quản lý và huy động tối đa các nguồn lực để chăm sóc HS.
Để tạo cơ hội điều kiện cho HS đầy đủ và yên tâm tới trường, các thầy cô còn nỗ lực làm tốt công tác vận động, xã hội hóa giáo dục…, với mong muốn mang đến cho các em những phần quà, khoản hỗ trợ vật chất thiết thực.
Chỉ tính riêng tại Trường PTDTBT THCS Lóng Sập đã có tới 6 trường hợp HS có cha mất vì nghiện hút, hoặc cả cha mẹ đều tù hoặc cha hoặc mẹ đi tù vì buôn bán vận chuyển ma túy. Trường hợp HS Lò Thị Diễm Hằng lớp 6A Trường PTDTBT THCS Lóng Sập là một điển hình. Bố mất trước khi em ra đời 1 tuần vì ma túy. Hiện, mẹ em đang trong quá trình thụ án 8 năm 6 tháng vì tội buôn bán ma túy. Hai chị em Hằng được cô giáo chủ nhiệm và nhà trường cưu mang dạy bảo trong những ngày các em nội trú tại trường, ngày nghỉ các em tự chăm sóc nhau, lao động giúp người thân để hỗ trợ cho các chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Thầy Hoàng Công Dụng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lóng Sập cho biết: Trường đã phối hợp với đồn Biên phòng Lóng Sập trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho HS theo định kỳ với nhiều hình thức. Cùng đó nhà trường đẩy mạnh giáo dục tích hợp trong nhiều bộ môn về tác hại ma túy; giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa. Từ đây, các em hiểu được các vấn đề, tác hại ma túy đối với cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng.
Tỉ lệ HS bỏ học tại xã Lóng Sập ngày càng ít hơn vì có sự quan tâm tận tình từ nhà trường và giáo viên Ảnh: Thanh Long |
“Học sinh của trường chủ yếu thuộc thành phần dân tộc. Nhận thức và kĩ năng của các em còn rất đơn giản và hạn chế. Có khi các em bị kẻ xấu rủ vào con đường nghiện hút, bị lợi dụng vào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không ý thức được việc mình đang làm là phạm pháp.
Uốn nắn các em từ khi còn nhỏ, để khi lớn lên các em ý thức rõ vấn đề mà không rơi vào cạm bẫy ma túy. Bản thân HS khi trở về nơi sinh sống sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho người thân gia đình, những người trong thôn bản… thấy được tác hại từ ma túy” - thầy Hoàng Công Dụng nhấn mạnh.
Với những trường hợp HS có hoàn cảnh gia đình bố mẹ liên quan đến ma túy, BGH và lãnh đạo các nhà trường tại xã đang dành cho các em sự quan tâm và giáo dục tốt nhất. Những thầy cô có thâm niên công tác, chuyên môn tốt hơn quan tâm hỗ trợ các em về mặt kiến thức, chăm sóc dạy bảo hàng ngày về lối sống, đạo đức. Nhiều cô giáo đã mua thêm quần áo, sách bút, đồ dùng sinh hoạt… góp thêm kinh phí vào bữa ăn HS hàng ngày cho các em.