Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố nước này đã sản xuất được một loại bom H có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kiểm tra loại bom H có thể gắn vào ICBM nói trên trong chuyến thăm Viện Nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Theo KCNA, viện nghiên cứu nói trên đã thành công trong việc phát triển "một loại vũ khí hạt nhân hiện đại hơn", tạo ra "một bước ngoặt" đối với quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
KCNA khẳng định, các nhà khoa học Triều Tiên đã nâng cấp các đặc tính kỹ thuật của loại bom H nói trên đến một mức độ vô cùng tối tân, dựa trên những thành công thu được từ vụ thử bom H đầu tiên. Loại bom H này có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm.
Cùng ngày, Nhật Bản kết luận những chấn động phát hiện tại Triều Tiên sáng 3/9 là một vụ nổ hạt nhân. Phát biểu tại cuộc họp báo được đài NHK đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định: "Sau khi phân tích những số liệu, chúng tôi kết luận rằng đây là một vụ thử hạt nhân". Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố đã điều động ít nhất 3 máy bay quân sự tại những căn cứ của Nhật Bản để đo độ phóng xạ.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết trận động đất được cho là do một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mạnh hơn ít nhất 10 lần so với lần Bình Nhưỡng cho nổ một quả bom nguyên tử cách đây một năm. Các chuyên gia ước tính vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên có sức công phá khoảng 10 kiloton.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc Kim Young-woo cho biết nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản.