Đúng ngày ông Donald Trump lần đầu tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên cương vị Tổng thống Mỹ, Triều Tiên đã cho phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung mới.
Còn sau 3 tuần ông Trump nhậm chức Tổng thống, Iran cũng đã cho phóng thử 2 tên lửa đạn đạo. Ngoài thông điệp mang tính chính trị, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và Iran còn là lời nhắc nhở Mỹ về mối đe dọa an ninh thường trực.
Theo Tiến sĩ Dan Goure, Phó chủ tịch Viện Lexington kiêm quan chức Lầu Năm Góc dưới thời cựu Tổng thống George H.W, việc xem Triều Tiên là một quốc gia nghèo khó và thiếu công nghệ hiện đại đã hoàn toàn sai lầm khi Bình Nhưỡng liên tục cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên không chỉ khiến các nước trong khu vực mà cả Mỹ phải quan ngại.
Cụ thể, theo tạp chí National Interest, Triều Tiên đã theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong gần 30 năm qua.
Triều Tiên cho triển khai tên lửa đạn đạo đầu tiên mang tên Rodong vào năm 1990. Cho tới nay, quốc gia này đã sở hữu gần 100 tên lửa đạn đạo các loại. Bình Nhưỡng cũng đã 2 lần thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
Thậm chí, vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên còn đánh dấu bước ngoặt lớn khi mà trước đây, chỉ có 5 cường quốc hạt nhân trên thế giới mới làm được. Bình Nhưỡng còn đang cho phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) KN-08.
Tham vọng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên trên các ICBM nhằm tạo ra loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, khiến không ít quốc gia quan ngại. Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân với trình độ công nghệ ngày càng phức tạp.
Trong khi đó, Iran đã theo đuổi phát triển tên lửa đạn đạo từ thập niên 80 khi quốc gia này xung đột với Iraq. Hiện nay, Iran đang là một trong những quốc gia sở hữu kho tên lửa đạn đạo tầm trung lớn nhất thế giới.
Những tên lửa này của Iran có thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ và đồng minh trong khu vực của Washington như Israel. Nhiều báo cáo cho rằng Iran đã nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Triều Tiên và thậm chí cả Nga để phát triển tên lửa.
National Interest dẫn lời cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, ông James Clapper, "Tên lửa đạn đạo của Iran có khả năng biến thành vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi Tehran đã nắm trong tay kho tên lửa có quy mô lớn nhất ở Trung Đông".
Tuy nhiên, gần đây, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran đang có bước chậm lại sau khi 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng Đức, Liên minh châu Âu và Iran ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, hoạt động phát triển hạt nhân của Iran sẽ bị kìm hãm trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên, JCPOA lại không đề cập tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.
Theo ông Goure, không có gì đảm bảo tham vọng hạt nhân của Iran sẽ bị kìm hãm kể cả khi có JCPOA. Thậm chí, trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, Iran đã có thể hoàn thiện chương trình phát triển vũ khí hạt nhân cũng như sản xuất các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn với sức mạnh hủy diệt lớn hơn.
Năng lực phòng thủ của Mỹ
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành nghiên cứu các thiết bị ngăn chặn tên lửa đạn đạo từ giữa thập niên 80. Lầu Năm Góc cũng đã phát triển được năng lực "phá hủy một viên đạn chỉ bằng một viên đạn". Đây là sứ mệnh quan trọng của bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Trong thời gian qua, các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chiến thuật của Mỹ cũng đã ghi nhận những thành công đáng kể. Còn hiện tại, Mỹ đang cho triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân cả trên đất liền và trên biển như tên lửa Patriot, hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMDS) Aegis trang bị tên lửa SM-3 và hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) trang bị các tên lửa đánh chặn ở dưới mặt đất.
Mỹ tiến hành thử nghiệm khả năng hoạt động của THAAD.
Ông Goure nhận định năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ mang cả yếu tố chính trị và quân sự nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên và Iran. Theo đó, Mỹ đã cho triển khai Chương trình Tiếp cận châu Âu thích ứng từng giai đoạn (EPAA) nhằm bảo vệ châu Âu khỏi mối đe dọa từ lực lượng tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran. EPAA có sự góp mặt của phiên bản đặt dưới mặt đất của BMDS Aegis trang bị tên lửa SM-3.
Giai đoạn đầu của dự án này đã hoàn thành khi Mỹ triển khai một radar Aegis và 24 tên lửa SM-3 Block IA đặt tại Romania. Trong năm 2018, một hệ thống radar Aegis và các tên lửa SM-3 sẽ được triển khai ở Ba Lan. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng đang cho triển khai hơn 80 BMDS Aegis trên các chiến hạm để không chỉ bảo vệ an toàn của hạm đội mà còn bảo vệ các mục tiêu trên đất liền.
Theo National Interest, Mỹ còn đang cho nâng cấp các phiên bản của BMDS Aegis và SM-3 để ngăn chặn tối đa sự tấn công từ các tên lửa đạn đạo tầm xa bay nhanh. Trong đó, phiên bản tên lửa SM-3 Block IB đang được triển khai. Còn Mỹ và Nhật Bản đang cùng nghiên cứu và phát triển phiên bản SM-3 Block IIA. Hôm 4/2, vụ thử nghiệm khả năng đánh chặn đầu tiên của SM-3 Block IIA đã diễn ra thành công.
Trong khi đó, đáp trả trước mối đe dọa từ lực lượng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Mỹ đã đưa THAAD đầu tiên tới đảo Guam. Còn trong chuyến thăm tới châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã một lần nữa khẳng định cam kết đưa THAAD tới Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất. Kể từ năm 2016, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã đưa THAAD vào sử dụng.
Tuy nhiên, ngoài thông điệp chính trị nhắn gửi tới Triều Tiên và Iran, sự xuất hiện của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng đang làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự. Cụ thể, quyết tâm triển khai THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc diễn ra đúng lúc Seoul đối mặt với khủng hoảng chính trị và sức nóng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.