Joel Wit là một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên và là người sáng lập nên trang web giám sát và phân tích Triều Tiên có tên 38 North. Trong một bài phân tích, ông cho rằng Chủ tịch Kim sẽ có một vụ phóng vào giữa tháng 4 tới khi Triều Tiên dự kiến tổ chức phiên họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân tối cao.
“Ông ấy có thể sử dụng vụ phóng để thể hiện tại Hội đồng nhân dân Tối cao lần thứ 14, có thể diễn ra vào giữa tháng 4, rằng ông không sợ các lệnh trừng phạt”.
Đầu tuần này, cơ quan tình báo quốc gia của Hàn Quốc đã báo cáo quốc hội rằng Triều Tiên đang có những dấu hiệu xây dựng lại địa điểm phóng Dongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ một phần nhằm thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa sau thượng đỉnh Mỹ Triều đầu tiên ở Singapore.
Dẫn ra hình ảnh vệ tinh chụp hôm 6/3, 38 North cho rằng địa điểm phóng trên dường như đã trở lại “trạng thái hoạt động bình thường”, gây ra lo ngại rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng cho một vụ phóng sau khi thượng đỉnh ở Hà Nội không đạt được thỏa thuận.
“Dựa trên hình ảnh vệ tinh, không có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch phóng bất kỳ cái gì” – ông Wit nói – “Nhưng tất nhiên, khả năng đó không thể bị loại trừ”.
Việc phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sẽ quá nguy hiểm vì nó sẽ khiến quốc tế lên án, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, phóng một vệ tinh có thể giúp cho Triều Tiên có vỏ bọc chính trị - ông Wit nhận định.
Mỗi lần Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa, họ đều cho rằng mình có quyền đối với “việc khám phá không gian hòa bình” mà cộng đồng quốc tế yêu thích. Tuy nhiên, các chuyên gia tên lửa nói rằng những tên lửa không gian và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chỉ khác nhau về trọng tải.
Ông With cho rằng sau khi phóng một vệ tinh, Chủ tịch Triều Tiên có thể đề xuất nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, giống như ông đã làm sau vụ phóng tên lửa năm 2012 khiến cho thỏa thuận Leap Day bị đình chỉ.
Thỏa thuận Leap Day kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực.