(GD&TĐ) - Từ sáng ngày 6/10, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, đã tấp nập người dân tới nhà lưu niệm của Đại tướng để dâng hương. Có một hình ảnh khá cảm động: Những em học sinh của Trường THPT Dân tộc Nội trú huyện Lệ Thủy xếp hàng hướng lên di ảnh Đại tướng trên bàn thờ với những ánh mắt nghiêm trang, kính cẩn. Một lãnh đạo địa phương chợt thốt lên: Giá như có một cuốn sách viết về tình cảm của đại tướng dành riêng cho quê hương hay là về tuổi trẻ của đại tướng để các em học. Ý tưởng này quả là bất ngờ…
Tìm dấu ấn buổi thiếu thời
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ năm 1994 |
Đã có ít nhất trên 120 cuốn sách nói về Đại tướng hoặc là của Đại tướng viết được phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện không chỉ ở Việt Nam. Những ngày qua, hàng trăm tờ báo trong và ngoài nước đã dành vị trí xứng đáng cho cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Nhưng xem ra hầu hết đều nghiêng ở khía cạnh tài chỉ huy, thao lược của ông qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mà chưa làm nổi bật một thời tuổi trẻ đáng trân trọng, học tập của ông.
Điều này cũng dễ hiểu, khi những tư liệu về vị Tướng tài có tầm vóc vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được cả cộng đồng thế giới biết đến đã đủ giàu có trên những trang sách báo. Nhiều cuốn sách do chính Đại tướng viết ra được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng chỉ tập trung vào sự nghiệp chung của đất nước chứ chưa đề cập nhiều tới quá trình tự học, tự thân lập nghiệp của người thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Nhất là việc đại tướng đã từng nhiều năm đứng đầu lớp khi học ở Trường Quốc học Huế, đứng đầu lớp rồi thi đỗ Tú tài toàn phần năm 1934 ở Trường Trung học An-be Xa-rô (Albert Sarraut) dành cho thí sinh tự do của Pháp. Sau đó, lại xin vào dạy ở Trường Thăng Long để vừa hoạt động cách mạng, và để có tiền học tiếp lên bậc đại học, nhằm lấy cho được bằng Cử nhân.
Tra cứu trên tất cả các trang mạng, tôi bắt gặp một bài viết duy nhất có nhắc tới một vài sự việc, hình ảnh về tướng Giáp ở thời kỳ từ 1911 - 1931 của ông (trước 20 tuổi) qua cuốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, người có nhiều năm trực tiếp làm việc dưới quyền Đại tướng.
Theo tác giả, ý tưởng viết cuốn sách này được đưa ra từ năm 1986, tuy nhiên, phải tới khi về hưu vào năm 1995, ông mới thật sự có thời gian tìm tư liệu thực địa kết hợp với những cuộc phỏng vấn Đại tướng và người thân. Cuốn sách ra đời năm 2004, đúng dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nôi quê sâu nặng nghĩa tình
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1963 (ảnh tư liệu) |
Tuy nhiên, điểm qua một vòng, hầu hết các nhà xuất bản sách cho lứa tuổi thanh niên, học sinh, chúng tôi không thấy có cuốn sách của Trung tướng Phạm Hồng Cư nói trên. Trong khi đó, khá nhiều tình tiết chân thực, đời thường trong cuốn sách có tính giáo dục cao đối với tuổi trẻ. Chẳng hạn như, tướng Giáp từng kể lại việc ông học rất giỏi thậm chí là đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d"étudé primaires) ở tỉnh Quảng Bình.
Sau đó, năm 13 tuổi, khi lên bậc trung học, ông lại thi trượt kì thi vào Trường Quốc học Huế. Vậy là ông phải khăn gói lên Huế ôn thi một năm trước khi đỗ loại khá ở kì thi năm 1924. Giáo dục thời Pháp khi đó rất khắt khe, Trường Quốc học Huế chỉ tuyển có 90 học sinh cho 12 tỉnh miền Trung, nhưng năm nào ông cũng đứng đầu lớp. Khi được hỏi nguyên do vì sao học giỏi như vậy mà trước đó lại thi trượt, Đại tướng lắc đầu cười bảo không biết…
Từ chi tiết này, tác giả cuốn sách bình luận: “Tôi nghĩ vui trong bụng rằng đó là bài học duy nhất trong đời của Đại tướng về tính chủ quan, điều sẽ không bao giờ lặp lại khi trở thành một vị tướng trận mạc sau này”.
Nếu tập trung vào nhiều câu chuyện kể dẫu chỉ là thoáng qua của những người thân trong gia đình Đại tướng hay là những vị tướng dưới quyền, có thể thu nhận được nhiều bài học quý về giáo dục. Trước hết là sự trân trọng, tự hào của Đại tướng về nguồn gốc, nề nếp gia phong của gia đình: Cha vừa dạy học, vừa làm ruộng, là một nhà nho yêu nước, đêm đêm, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, thường đọc bài “Vè thất thủ kinh đô” tỏ lòng cảm phục Tôn Thất Thuyết, căm ghét Nguyễn Văn Tường. Mẹ là cháu của một Lãnh binh Cần Vương yêu nước, thường hay kể cho con nghe cảnh hoạn nạn chạy sâu trong dãy Ngàn Sơn mỗi khi có giặc Tây càn bố.
Đại tá Hoàng Minh Nhị, nguyên trợ lý của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ghi lại lời kể sau đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ cách đây hơn 20 năm): “Cha tôi là người khí tiết, đòi hỏi con cái phải nghiêm giữ gia phong. Cụ đặt tên tôi là Võ Nguyên Giáp, em trai là Võ Thuần Nho. Khi vào Huế học, tôi bỏ chữ Nguyên cho gọn, chỉ ghi tên là Võ Giáp. Khi tôi bị bắt vào tù, mật thám Pháp cũng ghi tên phạm nhân là Võ Giáp. Sau này cha biết được, bèn gọi về la mắng, yêu cầu tôi phải giữ chữ lót là Nguyên. Mãi đến năm 1935 tôi mới được ghi lại trong hồ sơ học bạ: Võ Giáp tức Võ Nguyên Giáp. Và tôi giữ tên này cho đến bây giờ”.
Phải chăng, từ một nề nếp giáo dục như vậy mà cho tới bây giờ, ngôi nhà xưa của Đại tướng vẫn lưu dấu “chân quê” mộc mạc, bốn mùa xanh cây trái. Và khi nhắm mắt xuôi tay, vị tướng tài lại muốn trở về với quê cha, đất tổ. Mới đây, thể theo ý muốn của anh Võ Điện Biên (con trai Đại tướng), ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), người cháu từng có hơn 30 năm trông coi nhà lưu niệm đã làm lễ để xin nắm đất từ quê nhà gửi ra Hà Nội dùng làm lễ nhập quan cho Đại tướng.
Một minh triết giáo dục
Quỳnh Mây - học sinh giỏi Thủ đô được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Nhiều người cho rằng, một trong những yếu tố làm nên tầm vóc cao siêu của vị tướng tài, đó là “phông” học thức và bề dày văn hóa trong con người Đại tướng. Chính Đại tướng cũng quan niệm nếu tiếp tục làm cách mạng thì phải có trình độ học vấn cao. Và ông sau khi hoàn thành tú tài, đã đi sâu vào các môn Triết, Luật, Sử học.
Trong quá trình tự học, ông đã tham gia kỳ thi tổng hợp và đỗ Thủ khoa môn Kinh tế - Chính trị học với luận án “Tình hình thương mại và cán cân thanh toán ở Đông Dương”. Tiếp đó, lại đỗ đầu môn này trong kỳ thi học sinh giỏi toàn Đông Dương, rồi đỗ đầu trong kỳ thi lấy bằng Cử nhân Luật năm 1937. Phải chăng, chính từ vốn kiến thức tổng hợp uyên bác như vậy mà tướng Giáp đã làm nên điều kỳ diệu mà cả thế giới phải khâm phục: “Không tốt nghiệp một trường võ bị nào và cũng không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ nào” nhưng đã chỉ huy quân lần lượt chiến thắng cả Pháp và Mỹ.
Qua đây, ngành Giáo dục có thể đúc kết bài học thành công trong giáo dục là phát huy năng lực tự học, tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, văn hóa của mỗi một người thầy.
Mỗi người làm công tác giáo dục, chuyên tâm với sự nghiệp giáo dục cũng có thể tìm thấy những triết lý giáo dục sâu xa từ cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng tài đức vẹn toàn. Trong quá trình chỉ huy ở quân đội, Đại tướng luôn biết thương yêu, quý trọng cấp dưới của mình, đặc biệt là với những người có đức, có tài.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi được chứng kiến những việc làm của Đại tướng ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ của chiến dịch đã nhận xét: “Một vị Tổng tư lệnh đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”.
Cố Thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam - nói: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”, “là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Từ đó, những cán bộ quản lý giáo dục của chúng ta hôm nay có thể rút ra một trong những bài học thành công đầu tiên của mình là biết phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người, cùng nhau kề vai sát cánh để chia sẻ khó khăn.
Từ chiến lược, chiến thuật vận dụng chiến tranh nhân dân, tận dụng tất cả những gì sẵn có, lối đánh du kích, bám sát lưng giặc mà đánh, để cuối cùng, đẩy lùi được 2 đế quốc mạnh hơn ta gấp nhiều lần, ngành Giáo dục hôm nay cũng lấy đó làm bài học khắc phục mọi khó khăn, tận dụng thế mạnh của đội ngũ, phát huy triệt để sự sáng tạo của tư duy để đi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết XI của Đảng.
Nguyễn Thị Thúy Hồng