Triển lãm “Từ nhân dân mà ra”: Những khoảnh khắc hào hùng và lãng mạn

GD&TĐ - Triển lãm “Từ nhân dân mà ra” gồm 58 tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc hàng đầu Việt Nam về đề tài quân đội nhân dân đã được khai mạc, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Tác phẩm “Mở đường trên đỉnh Trường Sơn” của họa sĩ Trần Huy Oánh. Ảnh: Bình Thanh.
Tác phẩm “Mở đường trên đỉnh Trường Sơn” của họa sĩ Trần Huy Oánh. Ảnh: Bình Thanh.

Truyền lửa những tình yêu...

Trong gần 60 tác phẩm đang được trưng bày tại triển lãm “Từ nhân dân mà ra”, công chúng đặc biệt chú ý đến những tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đấy là, hai tác phẩm “Nữ du kích Phú Yên”, “Vệ quốc quân” đều được họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ bằng chất liệu bột màu. Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ có bức tranh sơn mài “Hai đội quân gặp nhau” và “Ra đảo” lần lượt được vẽ năm 1960, 1970. Đặc biệt, bức tranh sơn mài “Trong lòng đất” được họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ năm 1976 cũng hiện diện tại triển lãm này.

Tác phẩm “Trong lòng đất” của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ảnh: Bình Thanh
Tác phẩm “Trong lòng đất” của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ảnh: Bình Thanh  

Qua bàn tay tài hoa của các danh họa, câu chuyện về người lính được kể rất đỗi dung dị nhưng luôn truyền lửa những tình yêu và lòng khâm phục đến khán giả hôm nay. Dưới nét cọ của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nữ du kích đội mũ tai bèo mà luôn nghiêm nghị trong lúc tay cầm chắc súng; anh vệ quốc quân... chân đất cũng rất trầm tư “tạo dáng”. Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ thì chọn gam màu đỏ cho tác phẩm “Hai đội quân gặp nhau” để kể chuyện gặp gỡ của hai đội quân du kích. Còn với “Ra đảo”, người họa sĩ tài danh này đã truyền đến cho công chúng niềm cảm phục trước những người chiến sĩ chèo thuyền vượt sóng bạc đầu hướng đến tiền tiêu được khắc họa một cách sống động mà tinh tế. Riêng danh họa Trần Văn Cẩn lại kể câu chuyện sức sống bền bỉ trong lòng đất của người dân Việt Nam thời chiến.

Công chúng đội mưa rét đến tham quan triển lãm. Ảnh: Bình Thanh
Công chúng đội mưa rét đến tham quan triển lãm. Ảnh: Bình Thanh 

Theo ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đều được bảo tàng sưu tầm, lưu giữ trong hàng chục năm qua, trong đó có cả những tác phẩm rất quý giá của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Với “tuổi đời” trên dưới nửa thế kỷ nhưng những tác phẩm đó chưa bao giờ cũ. Trái lại sức nóng của những câu chuyện dâng hiến tuổi thanh xuân của những người chiến sĩ cho nền độc lập, tự do của dân tộc, về một lực lượng quân đội “Từ nhân dân mà ra” được các danh họa ghi lại qua nét cọ vừa chân thực, vừa lãng mạn vẫn luôn tỏa lan đến thế hệ hôm nay.

Vẹn niềm tự hào

Triển lãm “Từ nhân dân mà ra” mở cửa đến hết ngày 27/12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm chuyên đề được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019).
“Triển lãm giới thiệu các tác phẩm về người chiến sĩ của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng như những họa sĩ nổi tiếng thời chống Pháp, chống Mỹ như Trần Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Phan Kế An, Lê Duy Ứng, Nguyễn Sĩ Tốt, Hoàng Tích Chù, Mai Văn Nam... 
Triển lãm là dịp để công chúng hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, Quân đội ta đã làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà Nhân dân giao phó”, ông Nguyễn Anh Minh cho biết.

Nhận tin có hai tác phẩm “Mở đường trên đỉnh Trường Sơn” và “Đẩy thuyền về trạm giao liên” được trưng bày tại triển lãm “Từ nhân dân mà ra”, PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh chia sẻ rằng ông rất đỗi ngạc nhiên. Cũng vì, đây là hai bức tranh tiêu biểu trong gần 200 tác phẩm ông vẽ trong năm 1973. Người họa sĩ nổi tiếng này tự hào kể, năm 1973, ông đã dẫn đội sinh viên của trường mỹ thuật thực tế sáng tác trên dọc đường Trường Sơn trong suốt 9 tháng. Cảm xúc còn đọng lại mãi trong ông là “sao mà bộ đội, du kích, dân quân... lúc nào cũng “vui như là đi hội vậy. Thảo nào, kẻ thù nào có ý định xâm lược Việt Nam cũng thua to!” - PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh vui vẻ cho biết.

Đã kịp đến “thăm” đứa con tinh thần “Bảo quản tàu” của mình ngay trong ngày khai mạc triển lãm, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm kể, đây là bức tranh ông vẽ năm 1985 và dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cùng năm. Bức tranh đã nhận Huy chương Đồng của triển lãm và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Vậy là cũng đã 35 năm ông mới gặp lại “Bảo quản tàu” và ông rất mừng vì câu chuyện ông kể năm xưa vẫn nguyên giá trị. Đấy là câu chuyện về những người chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Điều đáng quý hơn cả là câu chuyện được người họa sĩ này kể rất cụ thể, chân thực vì ông vốn là lính hải quân.

Triển lãm “Từ nhân dân mà ra” được mở cửa trong những ngày Hà Nội đón gió mùa Đông Bắc. Thế nhưng, cái giá rét dường như không cản được bước chân của công chúng đến thưởng lãm. “Tên triển lãm như ‘Từ nhân dân mà ra’ thực sự gây xúc động lòng người. Thêm nữa, triển lãm còn cuốn hút công chúng khi trưng bày những tác phẩm nổi tiếng của các thế hệ họa sĩ từ thời mỹ thuật Đông Dương đến thời chống Pháp, chống Mỹ. Những tác phẩm đó không chỉ ôn lại truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn kể những câu chuyện về tình quân dân, về tâm hồn nghệ sĩ của người chiến sĩ rất gần gũi, xúc động” - anh Nguyễn Tiến Hải (Hà Nội) lý giải vì sao đội mưa, vượt rét để đến với triển lãm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ