“Nhúng mình” vào nghệ thuật
Nhận thấy sự phát triển vượt bậc của các công nghệ, anh Phạm Trung Hưng - Giám đốc Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam (đơn vị phối hợp cùng Bảo tàng Hà Nội thực hiện triển lãm) nhen nhóm ý tưởng tổ chức về một triển lãm đa phương tiện.
Khi biết Bảo tàng Hà Nội chuẩn bị cho chủ đề “Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng nửa đầu thế kỷ XX”, anh đã đề xuất tổ chức song hành triển lãm đa phương tiện về danh họa Bùi Xuân Phái và tranh dân gian Hàng Trống.
Cả hai triển lãm được dàn dựng trên một sân hình tròn đường kính 21m. Thay vì xem theo cách truyền thống, tại triển lãm này công chúng được “nhúng mình” vào tác phẩm nghệ thuật, được trải nghiệm như chính mình là một nhân vật trong đó. Để có trải nghiệm đa giác quan này, tác phẩm đã được số hóa và trình chiếu bằng công nghệ 3D mapping (phủ hình ảnh bằng ánh sáng lên vật thể 3D).
Ban tổ chức đã sử dụng 13 máy chiếu laser cao cấp, phóng lớn các bức tranh lên những mảng tường gấp khúc, tạo ra hiệu ứng không gian có chiều sâu, mang lại hình ảnh sắc nét với màu sắc trung thực. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ máy học (Al Deep learning) trong nhận diện hình ảnh giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm.
Các ứng dụng công nghệ đã dẫn dắt người xem từ không gian ảo dần đi đến hiện thực. Nó khiến họ như được đắm chìm trong thế giới nghệ thuật từ đó có những cảm nhận chân thực hơn về tác phẩm.
Trong triển lãm đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, những bức tranh nhỏ, được phóng lên hàng trăm lần, khiến cho bút pháp được biểu lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Người xem qua đó cảm được sự tài hoa, tinh tế của tác giả.
Với triển lãm “Tranh dân gian Hàng Trống”, công nghệ hiện đại đã giúp công chúng có thêm một cách tiếp cận mới với dòng tranh dân gian. Đó là các dòng tranh thờ, tranh Tết đến tranh thế sự. Từ đó, người xem cảm nhận được sâu hơn về di sản của cha ông.
Công chúng có những trải nghiệm mới từ triển lãm đa phương tiện Tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Thủy Đặng |
Dùng công nghệ giới thiệu truyền thống đến giới trẻ
Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật truyền thống, cả hai triển lãm đều nhận được sự quan tâm giới trẻ. Sự chuyển đổi, tương tác trong không gian triển lãm đã đáp ứng nhu cầu cảm thụ tích cực của công chúng trong sự “đồng sáng tạo”. Triển lãm tạo được hiệu ứng xã hội, chuyển tải cảm xúc tới người xem, đặc biệt là mang lại một không gian hoàn toàn mới trong thưởng thức nghệ thuật.
Đến với triển lãm, họa sĩ Đặng Thị Khuê đánh giá cao những người thực hiện. Triển lãm cho thấy tinh thần chủ động hội nhập, bắt nhịp với tiến bộ khoa học của những trí thức và nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Nó cũng thể hiện cách ứng xử nhân văn của đương đại với di sản nghệ thuật tiền nhân.
“Là một nghệ sĩ tạo hình, tôi vui mừng vì triển lãm tạo cơ hội để nghệ thuật tiếp cận với đông đảo công chúng. Nó góp phần quảng bá rộng rãi di sản thẩm mỹ của ông cha, đồng thời góp phần giáo dục, nâng cao hiểu biết của công chúng về mỹ thuật. Đặt trong bối cảnh hiện nay, triển lãm phần nào đáp ứng nhu cầu giao lưu, hội nhập văn hóa, rút ngắn khoảng cách giữa sáng tạo và thụ cảm nghệ thuật” – họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.
Mở rộng hình thức về tham quan bảo tàng, dùng khoa học giúp công chúng trải nghiệm nghệ thuật theo cách mới là điều mà những người thực hiện triển lãm này kỳ vọng. Theo anh Phạm Trung Hưng, triển lãm đã mang lại hiệu quả cao cho những trưng bày cố định trong các bảo tàng, không gian trưng bày, quảng bá di sản.
“Khi trưng bày 1 cổ vật như lá đề trên đầu ngói thời Lý của Hoàng thành Thăng Long, thay vì mô tả diễn giải bằng văn bản, chúng ta có thể dùng công nghệ để mô phỏng hay phục dựng lại một phần cấu kiện kiến trúc, có gắn với vị trí sử dụng của hiện vật để người xem có thể trải nghiệm trực quan sinh động.
Hay những hiện vật thuộc diện bảo quản đặc biệt, các hiện vật/tác phẩm đã mất đi, sẽ vẫn được trưng bày cho công chúng thưởng thức, thật giản tiện hơn nhiều nếu chúng ta áp dụng đa phương tiện.
Sau thành công của 2 triển lãm, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với một số họa sĩ đương đại, cho ra mắt một số tác phẩm sắp đặt mà công nghệ này là một phần, hoặc là một chất liệu trong sáng tác các tác phẩm nghệ thuật đó” - anh Phạm Trung Hưng chia sẻ.