Tôn trọng ý kiến của phụ huynh
Sáng 28/8, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) đã tổ chức cuộc họp phụ huynh toàn trường lấy ý kiến để thống nhất, quyết định việc có tiếp tục dạy – học theo VNEN hay không.
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 1 trong 2 trường tiểu học của TP Vinh được chọn thí điểm triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Sau khi dự án kết thúc, trước khi bước vào năm học mới 2016 – 2017, nhiều phụ huynh của trường đã đề xuất ý kiến không thực hiện dạy học theo mô hình VNEN nữa.
Trong đơn kiến nghị, phụ huynh ghi nhận tâm huyết của các cô giáo đã nhiệt tình trong giảng dạy, cùng phối hợp với phụ huynh để nâng cao chất lượng dạy học. Cơ sở khuôn viên nhà trường được cải thiện, xanh sạch đẹp.
Tuy nhiên, theo các phụ huynh thì học theo chương trình VNEN khiến con em họ "đuối’ dần. Chị Trần Thị Mai, có con là học sinh lớp 2A, cho biết:
"Các cháu còn quá nhỏ, mải chơi, chưa ý thức được việc học. Nên khi học theo nhóm thì những em khá, giỏi phát triển mạnh, còn những em rụt rè hơn, học yếu thì lại càng không tiếp thu được kiến thức”.
Anh Nguyễn Hoàng Nam - Phụ huynh lớp 2G - thì bày tỏ lo lắng về tài liệu sách giáo khoa cho con: “Sách của VNEN không có những bài tập nâng cao hoặc củng cố kiến thức cuối bài như sách cũ. Con em chúng tôi học theo tài liệu này không đuổi kịp được so với học sinh học chương trình hiện hành”.
Sự băn khoăn, lo lắng của phụ huynh còn “xa” hơn ngoài phạm vi của trường tiểu học đó là học sinh học theo chương trình VNEN, nhưng sau này trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ vẫn một đề chung. Vậy kiến thức của các em học VNEN có đồng bộ và theo kịp với đề chung của Sở hoặc Bộ GD&ĐT.
“Chúng tôi ủng hộ giáo dục cần đổi mới, và không trách gì việc dạy và học của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng cho chất lượng học tập của con em mình, đặc biệt là khi các cháu học lên các bậc cao hơn như THCS, THPT, các môn học có kiến thức nặng dần đòi hỏi phải có sự giảng dạy, truyền thụ kiến thức của thầy cô giáo” - Chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Ghi nhận và chia sẻ với băn khoăn, trăn trở của các phụ huynh, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cùng các giáo viên đã có các buổi làm việc, họp phụ huynh.
Sáng 28/8, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có mặt để cùng với nhà trường đối thoại trực tiếp với người dân, giải thích, nghe ý kiến người dân để đưa ra phương án chỉ đạo cho nhà trường.
“Phụ huynh lo lắng cho việc học của con em mình là điều đương nhiên. Đổi mới, áp dụng các mô hình giáo dục mới, mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao năng lực, kỹ năng của học sinh.
Cùng chung một đối tượng chăm lo, thì không có lý do gì để giáo viên, nhà trường, Sở GD&ĐT và phụ huynh lại không thể cùng nhau góp ý tìm tiếng nói chung” - Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) chia sẻ.
Sở GD&ĐT, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đối thoại thẳng thắn, trực tiếp với phụ huynh |
Sẽ có phương án có lợi nhất cho học sinh
Dự án Chương trình trường học mới (VNEN) được triển khai tại 73 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm học 2015 – 2016 tiếp tục triển khai nhân rộng tại 26 trường THCS với 64 lớp.
Trên thực tế, dự án đã kết thúc vào ngày 31/5. Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, mô hình VNEN sẽ được tiếp tục nhưng không áp đặt và tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương để áp dụng linh hoạt.
Tại Nghệ An, dự án VNEN kết thúc và chuyển sang giai đoạn tiếp thu những cái tốt của dự án này và của cả những dự án khác để nâng cao chất lượng dạy học. Các trường không có sự phân biệt nữa.
Hiện nay, chủ trương của Sở là sẽ tiếp tục triển khai có chọn lọc các yếu tố tích cực, phù hợp của VNEN vào trong đổi mới giáo dục. Những yếu tố không phù hợp, bất cập, khó khăn trong thực hiện sẽ được điều chỉnh hoặc bỏ.
Ông Trần Thế Sơn cho hay băn khoăn lớn nhất của các phụ huynh xung quanh mô hình trường học mới là ở tài liệu. Trong sách giáo khoa hiện hành, những bài tập nâng cao (thuộc phần giảm tải) vẫn được in ra, còn trong tài liệu dự án đã được bỏ ra.
Do vậy, khi so sánh nội dung 2 tài liệu này, phụ huynh sẽ có “cảm giác” học sinh học chương trình VNEN thiệt thòi hơn học sinh khác, thậm chí lo sợ các em sẽ không theo kịp các bạn vì không được học nâng cao.
“Nếu như tài liệu hiện hành được soạn để giáo viên giảng cho học sinh thì tài liệu dự án yêu cầu giáo viên phải là người hướng dẫn học sinh tìm hiểu, học và làm bài tập.
Với cách làm này, học sinh là người chủ động tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác. Cả hai tài liệu đều do Bộ GD&ĐT ban hành và đảm bảo giáo dục học sinh đạt chuẩn kiến thức kỹ năng”.
Đối với riêng trường hợp của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, ngành Giáo dục xin hứa sẽ có phương án có lợi nhất cho học sinh và ổn định tâm lý các em bước vào năm học mới. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng cho giáo viên yên tâm giảng dạy.
Sở và nhà trường tôn trọng sự lựa chọn của phụ huynh. Nếu trên 80% phụ huynh muốn nhà trường sử dụng tài liệu hiện hành thì trường sẽ tổ chức dạy học theo hiện hành.
Ngược lại nếu 50% phụ huynh muốn con em tiếp tục học theo mô hình VNEN, thì trường chủ động tổ chức chia lớp, bố trí giáo viên dạy học cả hiện hành lẫn VNEN. Nhưng bằng phương án nào, thì đảm bảo quyền lợi của học sinh là trên hết.
Ông Thái Huy Vinh – Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An - cho biết: Thực hiện mô hình giáo dục mới không thể nào hoàn hảo ngay từ đầu. Liên tục 5 năm triển khai VNEN tại Nghệ An, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên rất kỹ lưỡng.
Trong quá trình đổi mới, có cái này phù hợp với trường này, địa phương này nhưng không phù hợp với trường kia, địa phương kia. Những cái nào làm tốt rồi thì chúng ta ghi nhận và tiếp tục thực hiện.
Cái nào chưa tốt, chưa phù hợp, còn có băn khoăn thì nhà trường, ngành giáo dục và người dân sẽ có đối thoại để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dần.
Thực tế kiểm tra, đặc biệt là đối với bậc tiểu học, dự án VNEN cơ bản thành công, khoảng 80% trường VNEN đã có kết quả tốt, 20 % có kết quả chưa tốt.
Trên cơ sở đó, việc tiếp tục ứng dụng chọn lọc mô hình này trong giáo dục là thực sự cần thiết, tạo động lực thúc đẩy mỗi nhà trường, cán bộ giáo viên phải tự đổi mới, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Đây cũng là một trong những cách thức để ngành Giáo dục Nghệ An thực hiện “mệnh lệnh” đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.