Triển khai "tiền di động": Đã đến thời điểm vàng!

Triển khai "tiền di động": Đã đến thời điểm vàng!

Thời điểm “vàng” triển khai Mobile Money

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, để cho người dân có thể thực hiện thanh toán trên di động.

Với hạ tầng công nghệ hiện đại, tệp khách hàng sẵn có, mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp và nguồn tài chính dồi dào, cho tới thời điểm này, cả ba nhà mạng lớn là VNPT, Viettel, Mobifone đều đã chính thức đề xuất tham gia triển khai dịch vụ Mobile Money. Lãnh đạo các nhà mạng cho rằng, với hơn 90% người dân đều sở hữu điện thoại di động thì việc triển khai Mobile Money là hết sức khả thi.

Theo TS Lê Văn Sơn, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, Mobile Money là tiền điện tử do tổ chức cung ứng trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Chính phủ đã cho phép thí điểm triển khai cùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết 84/2020/NQ-CP ngày 29/5 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

TS Lê Văn Sơn nhận định, trong những ngày giãn cách xã hội, một bộ phận người dân đã dần thích ứng với việc giao dịch trực tuyến. Hiện Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech). Việc triển khai Mobile Money thời điểm này rất thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Vấn đề là phải bảo đảm an toàn, định danh khách hàng.

Với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay, Mobile Money được coi là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số. Nó cũng là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ Mobile Money.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thí điểm dịch vụ Mobile Money là quyết định quan trọng, hỗ trợ cho thanh toán phi tiền mặt. Tuy nhiên, không phải có Mobile Money là người dân sẽ dừng dùng tiền mặt nữa. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quan trọng là làm sao bảo toàn được tiền của khách hàng gửi vào những công ty viễn thông. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát, quản lý được dòng tiền này không bị sử dụng sai mục đích, mà chỉ để thanh toán cho việc mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với dịch vụ chuyển tiền thanh toán qua tài khoản di dộng Mobile Money, chậm nhất đến tháng 6 sẽ được triển khai. Mặc dù đã chậm, song Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông.

Kênh thanh toán tiện lợi cho vùng sâu

Với cương vị người tiêu dùng, anh Lê Duy Thắng (Hà Nội) cho rằng, nếu muốn thanh toán không tiền mặt các dịch vụ đang sử dụng thì phải dùng từ 2 - 3 ví điện tử có kết nối tài khoản ngân hàng trên điện thoại thông minh. Điều này khá bất tiện nên anh không sử dụng. Tuy nhiên, nếu thanh toán qua di động thì tiện lợi hơn nhiều vì chỉ phải sử dụng một tài khoản điện thoại di động để chuyển tiền và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ.

Theo giới chuyên môn, do Mobile Money tận dụng hạ tầng viễn thông nên giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn nữa, Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Với những lợi thế này, Mobile Money có thể thâm nhập thị trường nông thôn và số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp. Bởi lẽ, không cần tài khoản ngân hàng, không có Internet, người dân vẫn có thể tiếp nhận hình thức thanh toán mới mẻ này.

Nói về những lợi ích rất rõ ràng của Mobile Money, TS Lê Văn Sơn cho rằng, Mobile Money mở rộng khả năng thanh toán thương mại và trao đổi giá trị, là cánh tay nối dài của ngân hàng và hệ thống tài chính. Nó trở thành phương tiện thanh toán góp phần giảm chi phí xã hội, đóng góp vào kích cầu, động lực phát triển công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, Mobile Money sẽ thúc đẩy cạnh tranh và lành mạnh hóa trong kinh doanh cung cấp dịch vụ và môi trường thương mại.

Đặc biệt, nó sẽ tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân ở vùng sâu, vùng xa không dùng tài khoản ngân hàng. Người dân sẽ thuận tiện hơn khi mua sắm, đỡ phải tiếp cận quá nhiều các hình thức thanh toán liên quan đến ngân hàng. Việc thanh toán qua di động còn mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ mang tính thay đổi như y tế, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội trên nền tảng Internet.

Tuy nhiên, việc định danh khách hàng (KYC) của tiền di động được thực hiện bởi chính các nhà mạng nên thách thức lớn nhất với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xác. Nó phải tránh mạo danh và xác thực được như ở các ngân hàng. Ngoài ra, tài khoản định danh phải được lưu trữ trên hệ thống. Bởi không thể mất điện thoại là mất tất cả. Việc này đòi hỏi nhà mạng phải có hệ thống lưu trữ và bảo mật toàn bộ thông tin của khách hàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ