Thầy cô đã thực sự hiểu đúng về giáo dục STEM?

GD&TĐ- Cuối tháng 5/2022 vừa qua, TS. Đặng Văn Sơn (Liên minh STEM) đã có bài chia sẻ chi tiết về giáo dục STEM trong Hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định)

Tại Hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông tổ chức bởi Hệ thống Phổ thông FPT (FPT Schools), TS. Đặng Văn Sơn đã có bài chia sẻ cụ thể và chi tiết về định nghĩa liên quan đến giáo dục STEM và những hiểu lầm về STEM mà nhiều thầy cô mắc phải.

Đặng Văn Sơn trình bày về những cơ hội và thách thức trong giáo dục STEM.
Đặng Văn Sơn trình bày về những cơ hội và thách thức trong giáo dục STEM.

Giáo dục STEM là phương pháp và chương trình giảng dạy có tính tích hợp và tính áp dụng vào thực tiễn để đưa ra giải pháp cho các vấn đề. Theo thầy Sơn, các thầy cô giáo khi giảng dạy STEM nên đặt học sinh vào những bối cảnh, vấn đề cụ thể của cuộc sống để từ đó rèn luyện cho học sinh sự chủ động trong tư duy và tìm ra cách giải quyết hiệu quả cho các vấn đề được đặt ra.

Trong buổi hội thảo, TS. Đặng Văn Sơn đã chỉ ra những hiểu lầm thường gặp về giáo dục STEM. Thầy Sơn khẳng định bản thân STEM không phải là một chương trình giáo dục, do đó sẽ không có chương trình giáo dục STEM hoàn thiện, đầy đủ dành cho tất cả các cấp học, và trong một chủ đề STEM cũng không nhất thiết phải có đầy đủ cả 4 thành phần S (Science – Khoa học), T (Technology – Công nghệ), E (Engineering – Kỹ thuật) và M (Math – Toán học).

Đặng Văn Sơn cũng chỉ ra rằng nếu các thầy cô chỉ dạy về khoa học (S – Science) thì vẫn được coi là STEM, bởi khoa học là một môn học STEM thành phần. Bên cạnh đó, trong giáo dục STEM, chữ E (Engineering – Kỹ thuật) và T (Technology – Công nghệ) là hai thành phần nên được chú trọng hơn để có thể giải quyết trực tiếp các vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Có nhiều phương pháp dạy học, nhưng TS. Đặng Văn Sơn cho rằng phương pháp truy vấn (inquiry based learning) là một trong những phương pháp phù hợp nhất với STEM, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Bên cạnh đó, thầy Sơn cũng khẳng định dạy học STEM rất quan trọng kiến thức lý thuyết để giải quyết các vấn đề, chủ đề và không nhất nhiết phải có sản phẩm hữu hình. Nếu không có lý thuyết, học sinh sẽ không thể phân biệt được các định nghĩa (chẳng hạn như phân biệt giữa virus và vi khuẩn)

Hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông cũng có sự tham gia và chia sẻ của nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm về STEM như TS. Chong Su Li – Chủ tịch Trung tâm STEM đến từ Đại học UTP (Malaysia) với bài trình bày về cách xây dựng tính cách STEM cho học sinh, ThS. Lê Ngọc Tuấn – Sáng lập Maker Việt với bài chia sẻ về giáo dục STEM theo mô hình câu lạc bộ, cùng các giáo viên đến từ Hệ thống Phổ thông FPT với những chia sẻ về chương trình STEM của FPT Schools.

Chong Su Li chia sẻ tại hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông.
Chong Su Li chia sẻ tại hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông.

Hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông diễn ra trong khuôn khổ ngày hội khoa học công nghệ Fschools STEM Day 2022, tổ chức bởi Hệ thống Phổ thông FPT tại trường THPT FPT Quy Nhơn (Khu đô thị mới An Phú Thịnh, Bình Định).

Ngày hội Fschools STEM Day 2022 thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên và học sinh.
Ngày hội Fschools STEM Day 2022 thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên và học sinh.

Ngày hội bao gồm nhiều hoạt động như chung kết toàn quốc cuộc thi Fschools STEMpetition 2022, hoạt động trải nghiệm STEM dành cho học sinh các cấp, triển lãm các sản phẩm STEM do học sinh FPT Schools sáng tạo, hội thảo dành cho giáo viên đã thu hút sự tham gia của gần 1,000 học sinh, giáo viên trong khu vực tỉnh Bình Định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải pháp đột phá giải ngân vốn

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 115/CĐ-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn.