(GD&TĐ) - Chiều nay (2/10), Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết các hội thi chuyên môn bậc phổ thông năm 2011-2012 và triển khai cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm 2012-2013. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cùng hàng trăm đại biểu là hiệu trưởng, lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị |
Trong ba hội thi mà ngành giáo dục TP.HCM đã triển khai ở bậc phổ thông trong năm học qua, thì Hội thi “dạy học theo dự án” nhận được nhiều đề tài tham dự nhất với 173 đề tài, Hội thi “dạy học tích cực môn Vật lý” cấp THCS có 90 đề tài, sản phẩm tham dự, hội thi “học sinh nghiên cứu khoa học” có 47 đề tài…
Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh là điểm đáng chú ý nhất với rất nhiều công trình có ý nghĩa và ứng dụng cao của học sinh TP như: đề tài “Bộ xử lý khí thải cho ống xả xe máy”, để tài “sách từ điển sinh học”, “giày phát điện”, “máy hòa tan oxy vào nước” (trường Lê Hồng Phong); “Văn hóa Việt-phần mềm nét đẹp quê hương tôi”, “Robot thu nhặt rác thải” (trường Trần Đại Nghĩa)…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng; TP.HCM là địa phương có điều kiện vì vậy cần phải tích hợp, hướng học sinh (nâng cao chất lượng học tập) thông qua các hình thức học tập mới, các cuộc thi trí tuệ…Công tác nghiên cứu khoa học nơi học sinh của TP.HCM thời gian qua là rất đáng ghi nhận nhưng hiệu quả chưa cao và vẫn nặng tính phong trào, các đề tài nghiên cứu vẫn còn thiếu một chất gì đó theo đúng nghĩa làm khoa học.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, Sở GD&ĐT TP.HCM cần đẩy mạnh công tác tập huấn cho đội ngũ GV về phương pháp nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Sở nên thay hình thức viết sáng kiến kinh nghiệm bằng hình thức nghiên cứu khoa học ứng dụng nơi giáo viên, như thế hiệu quả sẽ cao hơn.
Thứ hai, để học sinh chủ động, sáng tạo nhiều hơn trong công tác nghiên cứu khoa học, các trường phổ thông cần gắn kết với các trường ĐH, cơ sở nghiên cứu khoa học để tạo điều kiện cũng như có được một đội ngũ các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu hoàn chỉnh, nhằm giúp học sinh thực hiện các đề tài một cách hiệu quả hơn. Theo Thứ trưởng, cái cần hướng đến là tạo điều kiện và môi trường học tập, nhằm giúp cho học sinh phát huy năng lực từng cá thể học sinh khác nhau, có chất lượng. Mà muốn làm được điều đó cần phải tạo ra nhiều sân chơi trí tuệ (nghiên cứu khoa học chẳng hạn) để các em có thể phát huy tốt nhất năng lực học tập, nghiên cứu của mình.
Anh Tú