Triển khai Chương trình mới tích sao cho hợp

GD&TĐ - Sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên tại các trường THCS có nhiều chuyển biến.

Học sinh Trường THCS Minh Đức, Quận 1 (TPHCM) học môn tích hợp khoa học tự nhiên. Ảnh: INT
Học sinh Trường THCS Minh Đức, Quận 1 (TPHCM) học môn tích hợp khoa học tự nhiên. Ảnh: INT

Cán bộ quản lý, giáo viên đã có giải pháp triển khai hiệu quả các môn học, khắc phục khó khăn từ thực tiễn.

Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu

Là Tổ trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội), cô Ngô Thị Trà Hương nhận định việc chỉ đạo, triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên đang thực hiện đúng yêu cầu của chương trình. Hiện nhà trường phân công một giáo viên dạy môn này theo mạch kiến thức sách giáo khoa.

Những bỡ ngỡ ban đầu đã vượt qua, nhưng cô Trà Hương cũng thẳng thắn cho rằng, việc đạt được kết quả theo mục tiêu chương trình vẫn còn hạn chế, khó khăn trong triển khai. Trong đó, nguồn nhân lực, đây là chìa khóa để thực hiện chương trình nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhiều.

Thầy cô đã cố gắng học hỏi, lấy chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, song chất lượng chưa cao. Giáo viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để khai thác tốt đồ dùng dạy học, kĩ năng xử lý các tình huống các bài thí nghiệm.

Sau những lúng túng ban đầu, cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) cũng khẳng định công tác chỉ đạo, triển khai dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên của nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch giáo dục đã chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường…

Kế hoạch giáo dục được xây dựng theo đúng quy trình, chặt chẽ. Mọi hoạt động chuyên môn của nhóm giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên đã thể hiện tính chuyên nghiệp. Mỗi khối trường sẽ cử 1 giáo viên để phụ trách môn, tạo thuận lợi trong việc thống nhất chương trình và vào điểm kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, nhà trường không còn khó khăn trong xây dựng thời khóa biểu các môn tích hợp vì kế hoạch giáo dục của nhà trường đã xây dựng tỉ mỉ tới từng tháng, từng tuần, từng tiết và được công khai ngay từ đầu năm học. Giáo viên cốt cán và đại trà đã được tập huấn trực tiếp, trực tuyến qua hệ thống LMS thường xuyên nên việc cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ khi giảng dạy môn Khoa học tự nhiên luôn đầy đủ; từ đó chủ động, linh hoạt trong dạy học tích hợp, sáng tạo trong lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các môn tích hợp.

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn trong giờ thí nghiệm môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn trong giờ thí nghiệm môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: NTCC

“Thực tế dạy học môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Thụy Trường cho thấy, chương trình giảng dạy phong phú, đa dạng đã phát huy được tố chất, năng lực học sinh thông qua nhiều hoạt động giáo dục phù hợp. Học sinh hứng thú với việc học tập các môn tích hợp, có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, đời sống và xã hội.

Các em cũng tiến bộ nhiều về kỹ năng phân tích, tổng hợp, suy luận, trình bày, phản biện… một sự việc trong thực tế và nghĩ ra các phương án xử lý. Việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng có nhiều đổi mới và qua nhiều kênh, hình thức khiến sản phẩm học tập trở nên phong phú…”, cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Gỡ khó dạy học tích hợp

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 14 trường THCS và 5 trường PTDTBT Tiểu học và THCS. Chia sẻ từ ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, triển khai dạy học môn tích hợp, Phòng GD&ĐT yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn các trường nắm chắc, hiểu kỹ về chương trình giáo dục theo quan điểm của Bộ/Sở GD&ĐT.

“Giải pháp là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để có thể đảm nhiệm được môn Khoa học tự nhiên. Trong đánh giá giáo viên về dạy học với học sinh dân tộc miền núi và đánh giá chất lượng học sinh cần linh hoạt theo đặc điểm vùng miền”, ông Phạm Viết Phúc cho biết.

Cán bộ quản lý tiếp nhận chương trình chủ động, bố trí chuyên môn hợp lý theo chuyên ngành đào đạo, linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu, kết hợp nhịp nhàng trong tổ chức đánh giá học sinh. Giáo viên lĩnh hội chương trình, lên kế hoạch tự học tự bồi dưỡng; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học. Học sinh năng động, tích cực hơn trong tiếp thu chủ đề, có tư duy tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề khi thực hiện nhiệm vụ thầy cô giao.

Tuy nhiên, triển khai dạy học môn tích hợp vẫn khó khăn liên quan đến thực tế đội ngũ chỉ được đào tạo đơn môn; còn hạn chế, khó khăn trong tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, sử dụng thiết bị dạy học, hướng dẫn thực hành thí nghiệm và sắp xếp thời khóa biểu. Học sinh dân tộc thiểu số kiến thức nền tối thiểu còn non nên tổ chức dạy học theo hướng tự tìm tòi mở rộng khó hiệu quả...

Giải quyết những khó khăn trong dạy học tích hợp, từ thực tế Trường THCS Thụy Trường, cô Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đầu tiên đến việc phải đổi mới tư duy; luôn tìm tòi giải pháp, cách làm hay, phù hợp để vượt qua khó khăn. Cùng với đó, cập nhật, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên tới tận giáo viên. Tập trung cao độ tâm sức để xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; chú trọng tính đồng bộ thống nhất cao giữa nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên.

Giáo viên cần được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn. Cần có sự sắp xếp, bố trí các bài dạy theo chủ đề chung một cách khoa học hơn. Chỉ đạo sát sao, kịp thời, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ. Chú trọng sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học với trọng tâm khối 6, 7 để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho giáo viên, đề ra giải pháp cụ thể để tổ chức tốt các hoạt động học tập.

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo viên, cô Ngô Thị Trà Hương cho rằng, các trường cần tổ chức mời chuyên gia về tập huấn cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; tăng cường chất lượng của họp tổ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó, huy động, khai thác các thí nghiệm tự làm của giáo viên.

“Dạy môn Khoa học tự nhiên cần bám sát mục tiêu dạy học, nêu rõ các hoạt động cần tổ chức để hướng tới hình thành năng lực cá nhân cho học sinh. Giáo viên lựa chọn cách tổ chức hoạt động phù hợp với nội dung, điều kiện thực tế của lớp học. Mỗi hoạt động dạy học cần đánh giá theo tiêu chí rõ ràng, kết quả của mỗi hoạt động đạt được là một sản phẩm cụ thể. Luôn khích lệ, động viên học sinh khám phá, tìm tòi, liên hệ với cuộc sống”, cô Trà Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Cô Nguyễn Thị Hương cho biết: Việc triển khai dạy học môn tích hợp rất phù hợp với quá trình phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Giải quyết những khó khăn để thực hiện tốt môn học mới là vấn đề mà các nhà trường, địa phương phải tập trung và quyết tâm làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ