Triển khai Chương trình mới: Tăng cường năng lực đội ngũ, bảo đảm cung ứng đủ SGK

GD&TĐ - Sau khi hoàn thành chọn sách giáo khoa (SGK), các địa phương lên kế hoạch để bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ SGK cho năm học tới.

Các địa phương nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Các địa phương nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cùng với đó, tăng cường năng lực sử dụng sách cho giáo viên (GV) dự kiến dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023 và cán bộ quản lý; mục tiêu hoàn thành trước 31/7.

Chuẩn bị để cung ứng đủ SGK

Hàng loạt địa phương đã phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, như: Hải Phòng, Bắc Giang, Hòa Bình, An Giang, Nghệ An, Ninh Bình, Vĩnh Long, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Lâm Đồng, Hải Dương, Quảng Ninh…

Ngày 9/4, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 352/QĐ-UBND, phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho biết: Với SGK lớp 6, lớp 7, các phòng GD&ĐT đã tổng hợp số lượng từ cơ sở giáo dục trên địa bàn và gửi về sở GD&ĐT.

Với các đơn vị trực thuộc sở GD&ĐT, đơn vị dạy chương trình GDTX cấp THPT, sở GD&ĐT yêu cầu tuyên truyền tới cha mẹ học sinh (HS), HS danh mục SGK lớp 10 do đơn vị lựa chọn; hướng dẫn HS lựa chọn nhóm môn học phù hợp, tổng hợp số lượng HS đăng ký ở các môn học, hoạt động giáo dục để kịp thời cung ứng SGK năm học 2022 - 2023, báo cáo về sở trước 10/7. Các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục THPT phối hợp với đơn vị được nhà xuất bản lựa chọn, ủy quyền cung ứng SGK lớp 6, lớp 7 đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đến các trường, đáp ứng nhu cầu của GV, cha mẹ HS và HS trên địa bàn (trước ngày 1/8 với phòng GD&ĐT, 10/8 với các cơ sở giáo dục THPT).

Tại An Giang, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc sở GD&ĐT thông tin: Ngày 15/5, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành lựa chọn SGK theo danh mục được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 21/4/2022). Các trường cũng đã gửi danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng tại đơn vị về sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị, thành phố, kèm theo số lượng dự kiến để sở tổng hợp, phối hợp với các nhà xuất bản chuẩn bị cho việc cung ứng SGK, bảo đảm HS có đầy đủ SGK cho năm học mới.

Công tác lựa chọn SGK lớp 3 và lớp 7 năm học 2022 - 2023 của các trường trên địa bàn huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) thực hiện đúng theo Thông tư số 25/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Vĩnh Long về lựa chọn SGK năm học 2022 - 2023.

Ông Lê Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn cho biết: Các trường đã tổ chức lựa chọn SGK xong, phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo sở GD&ĐT danh mục SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc lựa chọn. Tiến độ lựa chọn SGK thực hiện đúng và kịp thời theo quy định. Chất lượng lựa chọn sách bảo đảm tính khách quan và hiệu quả. Phòng GD&ĐT đang lập danh sách cán bộ quản lý, GV tham gia bồi dưỡng, tập huấn SGK lớp 3, lớp 7 theo tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT Vĩnh Long. Phòng cũng tổng hợp nhu cầu SGK từ các nhà trường và gửi Công ty phát hành sách; dự kiến SGK sẽ được cung ứng khoảng trong tháng 6.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Giúp giáo viên triển khai tốt SGK mới

Triển khai hiệu quả SGK mới, việc tập huấn tăng cường năng lực sử dụng SGK cho GV đóng vai trò quan trọng. Theo thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), cơ bản GV được nghiên cứu bản mẫu SGK của các nhà xuất bản, chương trình các môn học, nên khi triển khai tập huấn SGK mới thầy cô không còn bỡ ngỡ và khó khăn trong việc tiếp nhận.

Bên cạnh đó, tỉnh, sở GD&ĐT cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo do đã triển khai Chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Với Trường THPT Phú Bài, nhà trường sẽ chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường công tác dự giờ, đánh giá tiết dạy (phương pháp, phương tiện, tổ chức lớp, kết quả đạt được...), từ đó phân tích, đúc rút kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả. “Năm học 2020 - 2021, trường tổ chức dạy thử nghiệm một số tiết của vài đầu sách và kết quả cơ bản đáp ứng mục tiêu bài học. HS cũng tích cực trong công tác phối hợp” - thầy Hoàng Minh chia sẻ.

Với Bắc Giang, cùng với việc yêu cầu các trường tổ chức thực hiện nội dung tập huấn SGK nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, ông Bạch Đăng Khoa cho biết: Sở GD&ĐT đồng thời giao quyền chủ động xây dựng chương trình dạy học cho nhà trường. Khi triển khai, mỗi cán bộ quản lý trong cơ sở giáo dục trực tiếp giảng dạy 50% số giờ quy định đối với lớp 7, lớp 10 để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc với GV; kịp thời phát hiện ngữ liệu chưa phù hợp, tham mưu, chỉ đạo thay thế bảo đảm chương trình dạy học.

Đặc biệt quan tâm đến năng lực đội ngũ triển khai Chương trình, SGK mới, đại diện Phòng GD&ĐT Thái Thụy (Thái Bình) thông tin đã triển khai các mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục 2018 cho cán bộ quản lý, GV theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Triển khai giới thiệu, bồi dưỡng đội ngũ về sử dụng SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7 theo kế hoạch phối hợp giữa sở GD&ĐT và các nhà xuất bản.

Bên cạnh tổ chức các chuyên đề nghiên cứu Chương trình, SGK mới, phòng GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các trường, cụm trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu chương trình, bài học; tổ chức linh hoạt các hình thức bồi dưỡng, kết hợp bồi dưỡng trực tiếp với trực tuyến và tự bồi dưỡng của cán bộ, GV. Địa phương cũng tổ chức Hội thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi theo Chương trình, SGK mới để thầy cô chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác giảng dạy…

Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về việc sử dụng SGK đang được Sở GD&ĐT An Giang xây dựng. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, địa phương đã hoàn tất danh sách GV dự kiến dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023 (có GV dự phòng tại mỗi đơn vị nhằm bổ sung khi phân công thiếu) để chuẩn bị cho việc tập huấn.

Phối hợp với các nhà xuất bản để thống nhất hình thức, cách thức tổ chức, thời gian tập huấn để triển khai. Thời gian dự kiến bồi dưỡng tập huấn triển khai SGK mới cho GV trên địa bàn từ ngày 15 - 31/7. GV của mỗi môn học/hoạt động giáo dục sẽ tham gia tập huấn 2 - 4 buổi, tùy theo từng môn/hoạt động giáo dục theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

“Chuẩn bị cho hoạt động tập huấn, ngoài báo cáo viên của các nhà xuất bản, sở GD&ĐT cử cán bộ sở, GV cốt cán tham gia tập huấn. Đây là đội ngũ nòng cốt tiếp tục triển khai sâu rộng cho GV các môn học và hoạt động giáo dục thông qua hoạt động của Hội đồng bộ môn cấp tỉnh” - ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.