Tri thức cần được cập nhật thường xuyên

Tri thức cần được cập nhật thường xuyên

(GD&TĐ) - Trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nói riêng thì công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên được coi là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Tuy đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ song công tác bồi dưỡng giáo viên hiện nay vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định.

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sau ĐH – Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý (Học viện Quản lý giáo dục)  đã trao đổi về vấn đề này cùng GD&TĐ.

Thưa PGS, bà có thể cho biết tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên?

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng
PGS. TS Trần Thị Minh Hằng
 

- Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển nhân cách nghề của mỗi giáo viên. Công cụ lao động của người thầy giáo là tri thức khoa học mà tri thức thì cần phải được thường xuyên cập nhật và làm mới thì mới đáp ứng được với yêu cầu của xã hội. Vì vậy người giáo viên cần phải được bồi dưỡng thường xuyên. Và trong bồi dưỡng phải được định hướng những vấn đề cơ bản, cập nhật để có thể tự bồi dưỡng thì mới đạt được hiệu quả cao trong công việc của mình.

Theo bà, những nội dung bồi dưỡng giáo viên hàng năm cần triển khai ra sao để đạt  được hiệu quả cao nhất?

- Những nội dung bồi dưỡng giáo viên hàng năm có các hình thức như: Bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo chuyên đề. Vấn đề bồi dưỡng chung nhất là các cơ sở giáo dục dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tùy theo từng cấp học, bậc học xác định những nội dung bồi dưỡng cho phù hợp với đội ngũ giáo viên của cơ sở mình. Các nội dung bồi dưỡng cần đổi mới, thiết thực và bổ ích cũng như hình thức bồi dưỡng thường xuyên cần mềm dẻo và linh hoạt. Thời gian tổ chức phải phù hợp, tránh chồng chéo... Tóm lại, mục tiêu chung của bồi dưỡng giáo viên là giúp giáo viên đảm nhiệm tốt việc giảng dạy theo chương trình mới và luôn đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.  

Vấn đề đổi mới phương pháp trong bồi dưỡng thường xuyên cũng vô cùng quan trọng, thưa bà?

- Để công tác bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả cao, trong công tác bồi dưỡng cần phải lưu ý: Lựa chọn những vấn đề bồi dưỡng cho giáo viên phải là những vấn đề thiết thực, những vấn đề mà đội ngũ giáo viên đang gặp khó khăn trong quá trình dạy học; đồng thời phải có phương pháp bồi dưỡng nhằm hình thành phát huy được những kĩ năng cho giáo viên. Nên tránh hình thức bồi dưỡng theo kiểu lý thuyết nặng về lý luận, xa với thực tiễn. Với thời gian bồi dưỡng có hạn, mục tiêu của các chuyên đề mà báo cáo viên đặt ra thường là lớn vì vậy báo cáo viên nên sử dung phương pháp gợi mở, nêu vấn đề để giáo viên có thời gian trao đổi và tranh luận, và có thể để họ tự nghiên cứu tự học để rút ra những kinh nghiệm thiết thực cho bản thân. Chính vì vậy việc lựa chọn đội ngũ báo cáo viên cùng cần lưu ý ngoài tri thức lý luận và kinh nghiệm về thực tiễn thì cần phải có phương pháp báo cáo trao đổi để chuyên đề bồi dưỡng thực sự có hiệu quả

Giáo viên cần được cập nhật thường xuyên tri thức (Ảnh: Lê Văn)
 Giáo viên cần được cập nhật thường xuyên tri thức        (Ảnh: Lê Văn)
 

Thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng thường xuyên sẽ không thu được hiệu quả cao nếu các nhà trường và người giáo viên không tích cực tham gia. Phải chăng vì vậy, bản thân người giáo viên cần phải tăng cường hơn nữa vai trò chủ thể của mình để đáp ứng được yêu cầu của công tác bồi dưỡng?

- Với công tác bồi dưỡng, mỗi giáo viên cần nhận thức đúng đắn vai trò của việc bồi dưỡng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải tiến tới thực hiện việc tự bồi dưỡng. Với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường thì không thể thỏa mãn và đáp ứng với yêu cầu đổi mới thường xuyên của giáo dục.

Mặt khác những yêu cầu của xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng lớn thì không thể chỉ đào tạo một lần là thỏa mãn mà phải đào tạo nâng cao và phải bồi dưỡng thường xuyên. 

Giờ truy bài. Ảnh: Ngọc Hà
  Giờ truy bài.                                      Ảnh: Ngọc Hà
 

Là người đã có quá trình gắn bó với giáo dục nói chung và công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên nói riêng, bà có nhận xét, đánh giá gì về công tác bồi dưỡng giáo viên đang được triển khai tại các địa phương, sở giáo dục, phòng giáo dục hiện nay?

- Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên và để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của giáo dục và đào tạo, những năm trước kia và những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã có nhiều đổi mới về chỉ đạo công tác bồi dưỡng nên đạt được hiệu quả cao như phân cấp công tác bồi dưỡng, địa phương chủ động về nội dung, hình thức tổ chức, thời gian tiến hành.

Hiện nay các địa phương đã tăng cường bồi dưỡng theo chuyên đề hướng tới việc hình thành các kỹ năng mềm nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực nhà giáo cho đội ngũ giáo viên. Song thực tiễn cũng có một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc nội dung và thời lượng các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên vì vậy chất lượng lớp bồi dưỡng chưa cao, nội dung bồi dưỡng đôi khi còn chậm đổi mới và chưa thực sự thiết thực đối với người học. Việc bố trí thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên chưa hợp lý... Vì vậy công tác bồi dưỡng chưa đáp ứng được với yêu cầu đề ra.

Theo bà, để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thì ngành giáo dục cần quan tâm chú trọng điều gì?

Trước tiên ngành giáo dục và đào tạo cần lưu ý việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, và toàn thể giáo viên. Làm sao để cán bộ và giáo viên thấy được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng từ đó quan tâm và tích cực hưởng ứng công tác bồi dưỡng.

Công tác bồi dưỡng giáo viên phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên và có kế hoạch bồi dưỡng liên tục cho giáo viên. Phải đầu tư về kinh phí cho công tác bồi dưỡng này. Đồng thời nâng cao tính tự chủ cho các cơ sở trong việc xác định các nội dung bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp với đặc thù của từng vùng và từng cơ sở giáo dục. Xây dựng được đội  ngũ báo cáo viên trở thành mạng lưới có hiệu quả từ cấp Bộ đến các địa phương. Kế hoạch bồi dưỡng không chỉ tập trung vào một đợt trong hè mà còn có thể rải rác trong năm học với thời gian thuận lợi cần thiết...

Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thị Minh Hằng!

Theo quy định Bộ GD&ĐT về thời gian bồi dưỡng giáo viên các cấp học là 120 tiết/ năm. Bộ đã phân cấp cho các cơ sở xác định nội dung bồi dưỡng và thời lượng bồi dưỡng theo tỉ lệ: Khoảng 60 tiết (50% dành cho bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sự phạm của giáo viên các bậc học. Còn lại 50% dành cho bồi dưỡng cập nhật những tri thức mới và những quan điểm chỉ đạo mới của ngành và của địa phương).


Sông La (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.