Trị liệu trong mỏ muối sâu trăm mét dưới lòng đất

Những có sở trị liệu sâu hàng trăm mét trong mỏ muối dưới lòng đất có không khí mặn xoa dịu các căn bệnh hô hấp, giúp con người hít thở dễ hơn.

Trị liệu trong mỏ muối sâu trăm mét dưới lòng đất

Trẻ em cùng các bác sĩ mang đồ bảo hộ tiến vào mỏ muối gần thị trấn Soligorsk, Belarus.

Theo Tech Insider, hoạt động khai thác muối sau nhiều năm để lại những lối đi và hang động cao ngất như thánh đường bên trong mỏ muối cũ. Bước vào thang máy hầm mỏ, khách hàng mong muốn thử nghiệm liệu pháp muối chữa bệnh hô hấp được đưa xuống hàng chục, thậm chí hàng trăm mét sâu trong lòng đất.

Hai người đang chơi cầu lông bên trong mỏ muối Praid sâu dưới lòng đất 160 m, cách thủ đô Bucharest, Romania hơn 345 km về phía bắc. Mỏ hiện là cơ sở trị liệu các hội chứng hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn.

Bệnh viện đặc biệt được xây dựng với ý tưởng các mỏ muối tự nhiên có không khí được ion hóa mạnh và áp suất không khí lớn hơn trên mặt đất, nhờ đó đem tới hiệu quả chữa bệnh cho người mắc các chứng hô hấp.

Nhóm trẻ em di chuyển bên trong Viện Speleotherapy quốc gia, nằm trong một mỏ đá muối gần thị trấn Soligorsk, phía nam Minsk, Belarus.

Càng tiến sâu vào lòng đất, không khí trong các mỏ muối càng trong lành, tiệt trùng. Những người đề xuất phương pháp trị liệu muối cho rằng, không khí trong mỏ ít vi khuẩn và không chứa các tác nhân gây dị ứng. Đây cũng là nơi lý tưởng với nhiệt độ ổn định và độ ẩm lớn.

Học sinh cùng giáo viên chờ đợi vào bệnh viện đặc biệt dưới đất.

Cách mặt đất hơn 425 m, Viện Speleotherapy quốc gia Belarus là địa chỉ nổi tiếng thu hút nhiều người tìm tới trị bệnh. Mỗi năm, nơi đây đón hơn 7.000 lượt trẻ em và người lớn đến tham gia trị liệu muối.

Trẻ em nằm thư giãn ở các gian phòng trong mỏ. Đây là một phần của quy trình trị liệu không dùng thuốc, mà chỉ dựa vào không khí sạch tại mỏ muối.

Liệu pháp được phát triển dựa trên ý kiến cho rằng các phân tử muối trong không khí có thể làm loãng chất nhầy trong mũi, giúp người mắc bệnh hô hấp hít thở dễ dàng hơn.

Nhóm thiếu niên chơi bóng rổ trong thời gian trị liệu ngay tại Viện Speleotherapy, Belarus.

Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chấp nhận thuốc moculytics có tác dụng phân hủy chất nhầy trong phổi theo cách tương tự. Đây là một loại thuốc nước có độ muối cao, vô trùng, có thể được hít trực tiếp dưới dạng phun sương.

Tuy nhiên, liệu không khí mặn chứa phân tử muối trong các hầm mỏ cũ có hiệu quả được kiểm chứng giống như moculytics hay không vẫn chưa rõ ràng.

Nhóm trẻ ngồi đọc sách cùng nhau tại không gian trị liệu ở Viện Speleotherapy, Belarus.

Tới nay, các nghiên cứu lâm sàng liên quan tới trị liệu muối được thực hiện bên ngoài nước Mỹ không ủng hộ lập luận cho rằng không khí mỏ muối thực sự giúp giảm nhẹ các bệnh đường hô hấp.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học Iran đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ trên 20 người gặp các rối loạn đường thở thử nghiệm hít muối phun sương khai thác từ mỏ ở Phần Lan năm 2013. Nghiên cứu kết luận phương pháp này không hề cải thiện chức năng đường thở, nhưng có tới hơn một nửa tình nguyện viên cho biết họ thích cách trị liệu này và muốn làm lại.

Không gian bên trong với các bức tường và sàn phủ muối tại mỏ Praid, Romania.

Một nghiên cứu khác của Nga thực hiện năm 1995 trên 124 bệnh nhân, thử nghiệm điều trị trong căn phòng có các bức tường gạch muối gọi là halochamber (phòng muối) mỗi ngày. 15 người trong nhóm đối chứng ngồi tại phòng bình thường.

Sau nghiên cứu, các tác giả phát hiện không khí giàu phân tử muối có thể xoa dịu sự khó chịu trong hô hấp ở các bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm đối chứng cũng cho biết họ cảm thấy khỏe hơn và ngủ ngon hơn dù chỉ ở nơi bình thường. Điều này cho thấy nhiều khả năng hiệu quả giảm nhẹ bệnh có thể xuất phát từ tác dụng an thần khi được thư giãn.

Viện Speleotherapy thiết kế không gian cho nhiều trò vận động như bóng rổ, bóng bàn, hít xà, cho bệnh nhân trong chuỗi hoạt động trị liệu tại đây. Trong hình, các em nhỏ đang cùng nhau chơi bóng bàn trong mỏ muối cách mặt đất hàng trăm mét ở Belarus.

Một người đàng ông đang dùng laptop tại điểm phát wifi ngay trong mỏ muối Praid, Romania.

Tới nay, tài liệu khả dĩ nhất đề cập tới công dụng của liệu pháp chữa bệnh trong mỏ muối là một đánh giá có hệ thống 151 nghiên cứu khác nhau về halotherapy hay liệu pháp muối. Đây là thuật ngữ nói về cách chữa bệnh bằng hít thở hơi muối tại những căn phòng mô phỏng hang động mỏ muối, với tường, sàn nhà bám đầy tinh thể muối, nhằm thử nghiệm điều trị cho người mắc chứng phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Trong số này chỉ có 4 nghiên cứu hội đủ tiêu chuẩn của đánh giá, và các tác giả đều kết luận không đủ bằng chứng để khuyến nghị liệu pháp muối là một phương pháp chữa COPD. Song, điều kiện mô phỏng (giống bên trong mỏ muối) không gây ra tác dụng phụ nào cho người tham gia. Do đó, giới chuyên gia nhận định nếu các bệnh nhân hô hấp cảm thấy khỏe khoắn hơn khi bước chân vào thư giãn trong không khí trong lành của mỏ muối thì phương pháp trị liệu muối là có thể chấp nhận.

Nữ du khách ghi lại hình ảnh trong mỏ muối Praid, Romania.

Bên cạnh tác dụng xoa dịu hô hấp, không gian rộng lớn như thánh đường đồ sộ dưới mặt đất còn là một địa chỉ du lịch tuyệt vời được nhiều người tìm tới khám phá.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ