Trị bệnh vòi vĩnh của trẻ

GD&TĐ - Các bậc phụ huynh có con nhỏ thường hay đau đầu về những đòi hỏi liên tục của con cái. Làm thế nào để trẻ tuân thủ theo những quy định mà cha mẹ đặt ra, đó không phải là điều dễ dàng. Bởi nếu thường xuyên thỏa hiệp với những đòi hỏi của con, vô tình cha mẹ sẽ tạo tính xấu cho trẻ.

Trị bệnh vòi vĩnh của trẻ

Trẻ thường hay mè nheo

Đang có con ở độ tuổi mẫu giáo, cô bạn tôi thường than thở: Làm thế nào để chữa bệnh hay mè nheo của cô con gái rượu. Cô cho biết: Hễ cứ đi siêu thị hay đi chơi đâu đó, thì thế nào con gái chị cũng thỏ thẻ: “Mẹ! Con muốn mua con búp bê này, bộ đồ nấu ăn kia nữa!”, “Mua cho con con mèo Kity này mẹ nhé!”. Mặc dù tủ đồ chơi ở nhà của con chị có khi cũng có những đồ vật ấy.

Để cuộc đi chơi của hai mẹ con không căng thẳng, có lúc chị cũng tặc lưỡi mua cho con. Tuy nhiên, có khi chị cũng ra sức giải thích rằng: “Mẹ hết tiền rồi”, “Ở nhà con đã có nhiều đồ chơi rồi còn gì!”… Mỗi lần như vậy là con gái chị lại phụng phịu, vùng vằng với mẹ. Kết quả là một cuộc chiến xảy ra giữa hai mẹ con trước cái nhìn của rất nhiều người. Đây không là tình huống của riêng ai mà hầu hết các bà mẹ đều ít nhiều gặp phải khi cùng con đến các trung tâm mua sắm.

Trong trường hợp đó, mẹ luôn là người thua cuộc theo kiểu hoặc là thỏa mãn nhu cầu của con một cách miễn cưỡng, hoặc sẽ dùng một biện pháp trừng phạt nào đó nhằm trấn áp trẻ trước những yêu sách không hợp lý. Với biện pháp trừng phạt, nhiều trẻ sẽ lăn ra ăn vạ còn phụ huynh thì ngại ngần trước những ánh mắt của những người xung quanh. Xong nếu được thỏa hiệp, trẻ sẽ có thói quen vòi vĩnh nhiều hơn. Nhiều phụ huynh cho rằng, một đứa trẻ mới ba tuổi bốn tuổi thì cha mẹ không nên nói với chúng về tiền. Tuy nhiên, quan trọng ở đây là cách nói và cách giải thích như thế nào cho phù hợp với tư duy của trẻ.

Xây dựng các quy ước ngầm

Theo Thạc sĩ Trần Thành Nam, Trung tâm Hỗ trợ tâm lý cộng đồng tại Hà Nội thì: Trẻ đến tuổi đi mẫu giáo, được tiếp cận với thế giới bên ngoài gồm bạn bè và cô giáo, được biết nhiều loại, mẫu đồ chơi có ở lớp hoặc của các bạn khác. Vì vậy trẻ sẽ có nhu cầu sở hữu, nên hay đòi hỏi các loại đồ chơi. Để tránh việc trẻ luôn mè nheo đòi mua đồ chơi, cha mẹ nên xây dựng một hệ thống tích lũy điểm thưởng để quy đổi ra việc mua đồ chơi cho trẻ.

Điều này sẽ giúp trẻ bớt dần những đòi hỏi đối với cha mẹ. Trước hết, cha mẹ nên thống nhất với trẻ về một số nhiệm vụ, hành vi mình muốn trẻ thực hiện tốt trong gia đình. Với từng nhiệm vụ, cha mẹ hãy thảo luận với con để xác định số điểm thưởng. (Ví dụ: Buổi sáng con dậy sớm thì sẽ được 3 sao điểm thưởng, buổi tối nếu con ngồi vào bàn học bài khi đến giờ quy định sẽ được hai sao điểm thưởng...).

Tiếp đó bạn có thể quy ước với trẻ về các phần thưởng và số sao điểm thưởng quy đổi. Như với 3 sao điểm thưởng con sẽ được xem một bộ phim hoạt hình; với 20 sao điểm thưởng con có thể được đi chơi công viên… Và cuối học kỳ nếu được cô khen và biểu dương bé sẽ được thưởng một món đồ chơi… Nếu thống nhất và thực hiện theo những quy ước giữa mẹ và con như thế này chắc chắn bé sẽ hạn chế dần sự đòi hỏi.

Với những đứa trẻ lớn hơn, một số phụ huynh lại thử nghiệm bằng cách: Phân công cho con những công việc hàng ngày mà bé có thể làm được. Sau đó mẹ sẽ kiểm tra và đánh giá chất lượng công việc và thưởng cho bé bằng những đồng tiền mệnh giá nhỏ. Trẻ sẽ rất hào hứng với công việc và quản lý quỹ riêng của mình. Khi con muốn chi tiêu vào việc gì đó mẹ có thể tư vấn giúp trẻ. Bằng cách đó, mẹ vừa dạy cho con hiểu biết về tiền, giá trị của đồng tiền và biết cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả. Ý nghĩa của lao động cũng dần được trẻ khám phá ra qua cách này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.