Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những người đầu tiên sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) sinh tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thuỵ Anh nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Ông bị thực dân Pháp bắt vào tháng 4/1931, bị giết hại tại Hải Phòng vào ngày 31/7/1932, khi vừa tròn 24 tuổi. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một chiến sĩ Cách mạng trung kiên, đồng thời một nhà báo lớn của Đảng. Từ năm 1928, Nguyễn Đức Cảnh là Uỷ viên Ban chấp hành Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, kiêm Bí thư tỉnh bộ Hải Phòng, đồng thời là một trong những người tiêu biểu trong chủ trương "vô sản hóa". Hằng ngày, ông quai búa trong các nhà xưởng hoặc làm phu khuân vác trên bến tàu, ban đêm ông viết báo. Ông là ký giả của các tờ báo sôi sục tinh thần cách mạng hồi đó như Cờ đỏ, Tin tức, Đồng lòng đấu tranh… Từ tháng 10-1930, Nguyễn Đức Cảnh được điều động vào tăng cường cho xứ uỷ miền Trung, tham gia lãnh đạo phong trào Xô Viết. Là người phụ trách công tác tuyên truyền báo chí Đảng ở miền Trung, ông đã tạo nên phong trào hoạt động báo chí sôi động. Theo thống kê của bảo tàng Xô Viết, từ tháng 10-1930 đến tháng 4-1931, ông hoạt động ở đây, số đầu báo đã lên tới 28 tờ. Nổi bật là những tờ như: Người lao khổ, lao khổ, Chuông vô sản, Công nông binh, Vô sản, Đấu tranh, Bước tới… Nguyễn Đức Cảnh vừa lãnh đạo phong trào vừa viết tuyên truyền, vừa hướng dẫn viết bài, kỹ thuật ấn loát. Những ngày cuối cùng trong nhà lao Hoả Lò (Hà Nội), mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, sức lực giảm sút, nhưng với tinh thần yêu nước và trách nhiệm của người cộng sản, ông đã dồn toàn bộ tâm lực viết nên tác phẩm vô giá: "Tổng kết công tác công nhân vận động", để lại cho Đảng, cho phong trào công nhân. Tác phẩm này được đồng chí Lương Khánh Thiện chuyển ra ngoài cho tổ chức... |