Người nhà cho biết, trước đó, trẻ được cho ăn na còn nguyên hạt và cùi. Sáng ngày 23/12, khi đang ăn na, trẻ ho sặc sụa. Sau đó, trẻ xuất hiện khó thở dữ dội, tím tái. Gia đình lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để cấp cứu. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở. Trẻ được tiến hành cấp cứu đặt nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
ThS.BS. Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy qua nội khí quản, giảm thông khí phổi phải, X-Quang có ứ khí phổi phải. Trẻ được chẩn đoán dị vật đường thở, nghi ngờ là hạt na. Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản. Sau đó, lấy dị vật ra khỏi đường thở cho bệnh nhi.
Bác sĩ CKII. Lê Thanh Chương – Trưởng khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp thực hiện nội soi phế quản lấy dị vật cho bệnh nhi, cho biết: “Kỹ thuật được tiến hành ngay tại giường bệnh.
Nội soi phế quản ống mềm thấy hạt na nằm ở phế quản gốc phải, có khả năng di động lên khí quản. Nội soi phế quản ống cứng lấy ra 1 hạt na 7x12mm. Phổi phải có nhiều mủ phía dưới dị vật, hút rửa sạch mủ phế quản bên phải. Kỹ thuật tiến hành thuận lợi và an toàn”.
Sau một ngày điều trị và theo dõi tại Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe trẻ ổn định và được ra viện. Theo BSCK II. Lê Thanh Chương, dị vật đường thở là trường hợp những vật lạ xâm nhập vào đường thở. Đây là tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế xảy ra tai nạn dị vật đường thở, cha mẹ không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn các loại hạt cứng (hạt lạc, hạt bí, hạt dưa, hạt điều…) hoặc các loại quả chưa bỏ hạt (na, quất hồng bì, dưa hấu…).
Đồng thời, không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa hoặc làm trẻ khóc, giật mình khi đang ngậm đồ ăn trong miệng. Nếu phát hiện trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây sặc vào đường thở, người chăm sóc trẻ cần bình tĩnh dỗ trẻ tự nhè ra.
Tuyệt đối không lấy tay móc miệng trẻ hoặc làm trẻ khóc. Bởi như vậy sẽ làm tăng nguy cơ gây dị vật đường thở. Khi trẻ bị sặc dị vật, cần sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa ngay đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời.