Trẻ mắc tay chân miệng sau bao lâu thì khỏi?

GD&TĐ - Thời gian bị bệnh tay chân miệng thông thường là 7 ngày. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh tay chân miệng bao lâu còn phụ thuộc vào thời điểm và tình trạng bệnh thuộc giai đoạn nào, cũng như nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 độ.
Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 độ.

Thủ đô ghi nhận số ca bệnh tăng 55%

Trong tuần từ 27/5 – 2/6, TPHCM ghi nhận 21 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 8 quận huyện (Quận 3, Quận 7, Quận 11, Quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh; huyện: Bình Chánh, Nhà Bè).

Trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 4.768 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Chỉ tính riêng trong tuần 22, thành phố ghi nhận thêm 977 ca bệnh tay chân miệng, tăng 159 ca (19,5%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm ở trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức (20/22 quận huyện) trừ quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là Phường 12 (quận Tân Bình), xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức).

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 4, địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 5 - 10 ca tay chân miệng/tuần. Đến cuối tháng 5, số ca mắc đã tăng lên 80 - 100 ca/tuần. Cộng dồn trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 273 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021).

Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 4 và 5, đơn vị này tiếp nhận 776 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó). Trong đó, có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Điển hình là bé H.N. (15 tháng tuổi ở Hà Nội) nhập viện do sốt cao 39 - 40 độ C không hạ. Trẻ quấy khóc, đau miệng, không ăn được. Ban đầu, do trên da bé H.N. chưa nổi các nốt mụn nước, nên mẹ bệnh nhi chỉ nghĩ con bị sốt, nhiệt miệng…

Ủ bệnh từ 4 – 6 ngày

Theo bác sĩ Phí Văn Công – Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), thời gian ủ bệnh tay chân miệng thường từ 4 - 6 ngày. Ví dụ, nếu hôm nay trẻ có triệu chứng, tức là khoảng 1 tuần trở lại đây, bé có tiếp xúc với nguồn bệnh.

“Thời gian bị bệnh thông thường là 7 ngày. Điều trị bệnh tay chân miệng bao lâu còn phụ thuộc vào thời điểm điều trị và tình trạng bệnh đã thuộc giai đoạn nào, cũng như nguyên nhân gây bệnh cho trẻ. Do không thể biết chính xác chủng virus gây nên tình trạng chân tay miệng cho trẻ, nên ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, việc cần làm của phụ huynh là đưa trẻ nhập viện để thăm khám sớm nhất”, bác sĩ Công khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, tay chân miệng ở trẻ em có thể nhanh khỏi hoặc lâu hơn thời gian thông thường. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 1 ngày thứ 3, điều đó nghĩa là phụ huynh cần theo dõi bé 4 ngày nữa. Nếu không thấy dấu hiệu của biến chứng, gia đình có thể yên tâm.

Bác sĩ Công cho biết, có nhiều virus gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, chỉ 1 số nhóm virus có nhiều khả năng gây bệnh nặng. “Hiện tại, các bệnh viện triển khai xét nghiệm test EV71. EV71 là loại virus gây bệnh tay chân miệng hay gây biến chứng nặng”, chuyên gia lý giải.

Cụ thể, EV71(+) có nghĩa là trẻ bị bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra. Ngược lại, kết quả EV71(-) có nghĩa là trẻ bị bệnh tay chân miệng, nhưng do loại virus khác. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu đáng ngờ từ trẻ.

Tay chân miệng được chia thành 4 độ, từ 1 đến 4. Bác sĩ Công cho biết, đa phần trẻ mắc tay chân miệng độ 1. Song, không ít trường hợp mắc tay chân miệng các độ 2, 3, 4. Độ càng cao thì càng nguy hiểm và có thể để lại hậu quả nặng đến rất nặng. Độ nào thì điều trị theo phác độ phù hợp của tình trạng độ đó.

Do có nhiều loại virus gây bệnh tay chân miệng, nên trẻ vẫn có nguy cơ bị lại. Bởi, mỗi lần trẻ có thể mắc tay chân miệng do virus khác nhau gây ra. Vì vậy, bác sĩ Công lưu ý, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể bị lại. Thậm chí, trẻ có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng hai lần trong cùng một mùa.

Bệnh tay chân miệng biểu hiện điển hình mọc ban ở quanh miệng, trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khe mông. Ban có thể mọc hết ở các vị trí trên, cũng có thể mọc không hết... Do đó, chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đi khám nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Qua đó, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.