Trẻ khuyết tật: Cần môi trường phù hợp

GD&TĐ - Trẻ khuyết tật vốn nhạy cảm và yếu thế, do đó rất cần môi trường phù hợp. Không chỉ cơ sở vật chất đặc thù mà chương trình giáo dục, công tác chăm sóc phải có những yêu cầu riêng biệt…

Cô trò Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Cô trò Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Còn nhiều khó khăn

Trường Tương Lai (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tiếp nhận học sinh từ 6 - 25 tuổi bị khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động, thần kinh và khuyết tật khác. Bên cạnh chương trình giáo dục chuyên biệt, nhà trường có các hoạt động rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo cô Huỳnh Thị Hằng Em, Phó Hiệu trưởng nhà trường, những học sinh mới, dạng nặng, giáo viên phải dạy cho từ động tác đơn giản nhất. Có những sinh hoạt thường ngày như chải tóc, cài nút áo... mà có trò phải mất hàng tuần đến vài tháng mới làm được.

Ngôi trường thứ hai ở TP Cần Thơ là Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ (quận Bình Thủy) cũng đảm nhận chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề, phục hồi chức năng và can thiệp sớm cho học sinh khiếm thị và khiếm thính. Mỗi lớp học chỉ có 5 - 10 học sinh nhưng giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để có thể giúp các em hiểu, nhớ. Như lớp khiếm thính, giáo viên dạy một từ mà đôi khi cô trò phải lặp lại hàng tiếng đồng hồ, học sinh mới nói, hoặc viết được. Thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phải thực sự yêu nghề, thương trò mới có thể bám trụ lâu dài ở trường”.

Dù là trường đặc thù dành cho trẻ khuyết tật, thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là kinh phí hoạt động hạn chế; thiếu nhân sự, trong khi việc tuyển dụng giáo viên có trình độ chuyên môn rất khó. Do thiếu nhân sự nên nhân viên hành chính phải vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa hỗ trợ trông chừng học sinh, xử lý khi sự cố xảy ra... Bên cạnh đó, công tác vận động học sinh ra lớp còn không ít rào cản. Học sinh có độ tuổi và khả năng giao tiếp không đồng đều. Thiếu sự quan tâm, gần gũi của gia đình là nguyên nhân dẫn đến tâm lý không ổn định, ảnh hưởng cá tính, nhất là các em trong độ tuổi đang lớn...

Điểm nghẽn khiến nhiều người làm công tác giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật băn khoăn là làm sao giúp trẻ hòa nhập cộng đồng bền vững. Bởi có trường hợp được giáo dục tốt, nhưng sau khi ra trường lại khó hòa nhập cộng đồng. Đáng quan tâm là vẫn chưa có chương trình, sách giáo khoa phù hợp cho từng đối tượng. Trẻ khuyết tật học chương trình chung dẫn đến những bất cập với cả thầy và trò.

Theo lãnh đạo Trường Tương Lai TP Cần Thơ, quy mô của trường có hạn nên với những người trên 25 tuổi sẽ về với gia đình. Nhưng qua khảo sát, họ rất khó hòa nhập vì chưa có cơ sở nhận làm việc, mưu sinh. Còn Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, học sinh có khả năng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán ra thị trường sau khi ra trường, nhưng lại rất khó khăn về đầu ra.

Giờ học thực hành cắt may của học sinh Trường Tương Lai, TP Cần Thơ.
Giờ học thực hành cắt may của học sinh Trường Tương Lai, TP Cần Thơ.

Cần môi trường chuyên biệt

Một ngày làm việc của cô Nguyễn Thị Thìn, nhân viên Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ bắt đầu từ 7 giờ sáng hôm trước và kết thúc vào 7 giờ sáng hôm sau. Do đặc thù nên ca làm việc của cô kéo dài 24 tiếng, cách ngày làm được nghỉ một ngày. Thời gian biểu của cô khá bận rộn, công việc lại nặng trách nhiệm. Học sinh khuyết tật tại trường hầu hết ở nội trú, nên toàn thời gian cô Thìn phải tập trung cao độ chăm sóc các em.

Học trò của cô Thìn nhỏ nhất là 8 tuổi và lớn nhất 22 tuổi, trong độ tuổi 12 - 15 có một số em khá bướng bỉnh. Không phải là giáo viên chuyên biệt, nghiệp vụ sư phạm chưa có, đảm đương công việc dỗ dành trẻ khuyết tật chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với cô. “Học sinh khuyết tật đã thiệt thòi so với trẻ bình thường, mà khi có em bị tăng động không kiểm soát được hành vi, thần kinh không ổn định… đòi hỏi trách nhiệm cao của nhân viên chăm sóc”.

Tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer theo học tại trường chiếm trên 30%. Các em gặp hạn chế về ngôn ngữ phổ thông, do đó thầy cô phải học tiếng Khmer để tạo môi trường học tập thuận lợi. Theo cô Nguyễn Thị Kim Ngân, giáo viên nhà trường, không hề dễ dàng gì khi dạy những đứa trẻ khuyết tật. Giáo viên vừa giảng bài vừa rèn luyện kỹ năng để giúp trẻ khiếm thị, khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ.

Trách nhiệm của thầy cô vì thế nhiều hơn, phải đóng nhiều vai để làm sao hoàn thành bài học trẻ có thể tiếp thu được. Nhiều em tuy cơ thể cao lớn về mặt sinh học nhưng não bộ như những đứa trẻ, phải dạy từ điều cơ bản nhất. Việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ học bán trú cũng khá vất vả bởi thể trạng khác nhau nên thực đơn áp dụng cũng đa dạng, bổ sung dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ vừa phát triển trí tuệ vừa đảm bảo thể chất khỏe mạnh...

Chia sẻ về công việc của mình, thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng trăn trở: Khó khăn hiện nay do số lượng cán bộ thực hiện xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật còn ít, chưa đủ mạnh; nguồn kinh phí đầu tư chưa nhiều; sự khác biệt giữa ngôn ngữ vùng miền, địa phương… Do đó, rất cần đầu tư nguồn kinh phí cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật. Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên biệt xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho từng đối tượng trẻ khuyết tật. Đặc biệt, cần hoàn chỉnh sớm bộ ký hiệu ngôn ngữ thống nhất cho trẻ khiếm thính… 

Theo thầy Trần Lê Duy Khiêm, hiện chưa có bộ sách giáo khoa thống nhất dành riêng cho các dạng khuyết tật. Học sinh khiếm thính sau khi học xong tiểu học, THCS chưa có cơ hội học lên THPT. Tài liệu, SGK cho trẻ khiếm thính có nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu. Do đó, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ em khuyết tật là hết sức cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ