Trẻ gặp biến chứng nặng do mắc cúm A

GD&TĐ - Số trẻ mắc cúm A có xu hướng tăng, nhiều ca gặp biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, phải thở oxy, có ca suy hô hấp phải thở máy.

Thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan.
Thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan.

Thời gian qua, số trẻ mắc cúm A có xu hướng tăng. Đặc biệt, nhiều ca gặp biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, phải thở oxy, có ca suy hô hấp phải thở máy.

Nhiều trẻ phải thở máy

Hai tuần trở lại đây, trẻ em nhập viện do mắc cúm A gia tăng. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình, có khoảng 50 - 70 ca mắc cúm A điều trị nội trú. Tỷ lệ này chiếm 1/2 - 1/3 số trẻ điều trị tại Trung tâm. Đặc biệt, tại đây ghi nhận nhiều ca biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, phải thở oxy, có ca suy hô hấp phải thở máy.

Tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, vài tuần trở lại đây, nhiều trẻ đến khám được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A với các triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Tại đây cũng đã điều trị cho bệnh nhi viêm não do biến chứng của cúm A. Theo chuyên gia này, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H3N2.

Cúm A lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi… Để nhận biết cúm A, chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra 6 dấu hiệu thường gặp. Đó là đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.

“Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì nếu bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong”, TS.BS Nguyễn Văn Lâm nói.

Chuyên gia này đồng thời nhấn mạnh, triệu chứng của cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Vì vậy, theo chuyên gia, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Nhóm dễ mắc cúm A

Theo bác sĩ Lê Thị Trúc Phương - Hệ thống tiêm chủng VNVC, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cúm A. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là nhóm dễ mắc cúm A do nhiều yếu tố nguy cơ. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị virus cúm tấn công, gây bệnh. Ngoài ra, với trẻ chưa được tiêm vắc-xin cúm, bé sẽ chưa tạo được miễn dịch chủ động chống lại virus này.

Nguyên nhân khác là trẻ đến trường, học tập, sinh hoạt và tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Hoặc, có thể là do trẻ không có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay, sát khuẩn sau khi chạm vào bề mặt chứa virus cúm A.

Cúm A ở trẻ thường diễn biến lành tính. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương, bệnh cũng có nguy cơ biến chứng nặng và nguy hiểm ở một số nhóm như trẻ sinh non, trẻ nhỏ, trẻ có bệnh tim mạch bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, hen phế quản,… Đây là những trẻ có sức đề kháng kém.

Khi mắc bệnh, nhóm này có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, những biến chứng này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi, gia tăng nguy cơ tử vong.

Để phát hiện kịp thời nguy cơ biến chứng khi trẻ mắc cúm A, phụ huynh cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Đồng thời, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu bé xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: Khó thở, thở rút ngực, thở nhanh; da và môi tái nhợt, mặt xanh xao; đau ngực; nôn liên tục; sốt cao khó hạ; li bì, bỏ bú; xuất hiện co giật; tiểu ít hoặc không có nước tiểu trong vòng 8 giờ.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang vào giai đoạn mùa Đông Xuân. Thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vắc-xin dự phòng ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Thời gian tới là dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong. Duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm biến thể mới, tác nhân gây bệnh, nhất là lây truyền qua đường hô hấp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ