Trẻ em trở thành lao động bất hợp pháp bởi Covid-19

GD&TĐ - Covid-19 đã buộc hàng triệu trẻ em nghèo trên thế giới tạm dừng việc học và đi làm để giúp đỡ gia đình. Do đại dịch, trường học phải đóng cửa và thu nhập của các phụ huynh giảm.

Một trường học đóng cửa ở ngoại ô Tumker, miền Nam Ấn Độ.
Một trường học đóng cửa ở ngoại ô Tumker, miền Nam Ấn Độ.

Nhiều trẻ em phải làm những công việc vất vả và nguy hiểm, như vận chuyển gạch, nhặt rác tái chế... Phần lớn những công việc này dành cho trẻ em là bất hợp pháp.

Đây được coi là sự thay đổi tiêu cực đối với nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Đại dịch cũng làm lu mờ những thành tựu suốt nhiều năm qua ngành giáo dục đạt được, suy yếu triển vọng thoát nghèo của học sinh. 

Vô số trẻ em có triển vọng đã bị cắt giảm chương trình học và vẫn chưa rõ khi nào các trường sẽ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, điều đáng ngại là hiện tại, nhiều trẻ em không muốn quay lại lớp học.

Tại thành phố Tumakuru (Ấn Độ), Rahu - cậu bé 11 tuổi, thường xuyên đi chân trần để nhặt rác tái chế. Ấn Độ có dân số trong độ tuổi đi học lớn nhất thế giới và số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh nhất. Luật pháp của quốc gia này cấm trẻ dưới 14 tuổi làm việc. Tuy nhiên, sự nghèo đói đã tạo ra một thị trường lớn về lao động trẻ em bất hợp pháp.

Sự gia tăng lao động trẻ em cũng kéo theo những mối đe dọa khác. Nạn đói đang đe dọa nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Trẻ em nghỉ học càng lâu, khả năng trở lại trường được cho là càng thấp. Liên Hợp Quốc ước tính, có 24 triệu trẻ em đã bỏ học vì đại dịch.

Việc đóng cửa trường học trên khắp thế giới đã ảnh hưởng đến hơn một tỷ trẻ em. Nhiều trẻ em có thể tiếp tục học trực tuyến. Tuy nhiên, hàng trăm triệu học sinh đến từ những gia đình nghèo không có máy tính, Internet hay gia sư.

Việc trở lại trường học ngày càng khó khăn hơn khi trẻ và gia đình phụ thuộc vào thu nhập của các em. Mumtaz (12 tuổi) ở Bang Bihar (Ấn Độ), cho biết: “Em sợ rằng, ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, em sẽ phải tiếp tục làm việc vì món nợ của gia đình”.

Tờ New York Times nhận định, khi hàng trăm triệu người trên toàn thế giới không có việc làm, quy luật cung và cầu tạo ra một phép toán tàn nhẫn. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lợi dụng tình trạng dư thừa lao động, khiến lương của nhân viên giảm xuống.

Khi các gia đình gặp khó khăn do đại dịch, trẻ em phải tham gia lực lượng lao động. Do đó, người lao động trở nên dư thừa. Và, những kẻ sử dụng lao động vô đạo đức đã coi thường luật lao động, thuê những đứa trẻ nghèo làm việc.

Một nhà thầu lao động ở Tây Bengal (Ấn Độ) cho biết, một số phụ huynh đã yêu cầu ông ta tìm việc cho những đứa trẻ 8 tuổi. Người này chia sẻ, những trẻ em nghèo như thể đang sắp bị ném vào lửa.

Trên khắp thế giới, tình trạng nghèo đói đã giảm trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở châu Á. Nhờ đó, ngày càng nhiều trẻ em được đến trường. Tuy nhiên, đại dịch đã làm đảo ngược xu hướng đó.

Nhiều học sinh từng có thành tích học tập tốt và nuôi dưỡng ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn. Đại dịch đã khiến các em phải rời lớp học và đi làm. Những giấc mơ của người trẻ đang bị đe dọa.

Rahul - cậu bé 11 tuổi ở Tumakuru chia sẻ ước muốn trở thành một bác sĩ. Và, giáo viên của Rahul nói rằng, cậu đủ tài năng để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, nghỉ học càng lâu, mọi chuyện đối với những trẻ em như Rahul càng trở nên xa vời.

Mục tiêu ở Ấn Độ và nhiều quốc gia khác là mở lại các doanh nghiệp, nhằm tái khởi động nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà ủng hộ trẻ em nhận định, việc mở các quán bar, nhà hàng và hệ thống vận tải trong khi các trường học vẫn đóng cửa là hành động “thiển cận”.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.