Trẻ chậm nói: Phải làm sao?

Trước khi mang bầu, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về quá trình chăm sóc thai sản, trong đó có một tư vấn cứ lặp đi lặp lại. Đấy là hãy nói chuyện, hát, bật nhạc cho con nghe.

Các bà mẹ có thể giao tiếp với con mình từ khi mang bầu (Ảnh: KT)
Các bà mẹ có thể giao tiếp với con mình từ khi mang bầu (Ảnh: KT)

Hát ru từ lúc có bầu

Không biết độ xác thực của thông tin kia đến đâu nhưng, kể từ khi cảm nhận được những cử động của con trong bụng, tự nhiên tôi sinh hứng thú nói chuyện với bé. Thời gian đầu tôi chỉ hỏi han nhẹ nhàng kiểu như "Con thức rồi phải không? Có đói không, mẹ uống sữa cho con khỏi đói nhé".

Tôi thích cách giao tiếp này. Có lần, sau khi tôi nói, bé đạp thêm một cái nữa. Tôi có cảm giác như con đã hiểu lời mình.

Ý thức được việc nói chuyện với con là quan trọng nhưng lúc đó không có nhiều thời gian, mỗi ngày côi cũng chỉ trò chuyện với con mình được khoảng mươi mười lăm phút. Bù vào, tôi thường nghe nhạc không lời mỗi khi rảnh. Buổi tối, bé đạp rất nhiều, tôi quyết định hát ru.

Từ tuần thứ hai tám đến khi sinh, tối nào tôi cũng hát ru khoảng hai mươi phút. Sách vở nói rằng, trong thời gian này, bé đã có thể cảm nhận được giọng của mẹ.

Độc thoại

Một ngày sau sinh mổ, tôi mới được ôm con. Bé mấy ngày tuổi hầu như ngủ suốt. Mắt chưa mở rõ, cũng chưa biết cười. Có lẽ vì ảnh hưởng của mấy tháng trò chuyện với con và hát ru lúc mang thai, tôi lập tức có cảm xúc muốn nói chuyện với con.

Vậy là, cứ khi nào con thức, tôi massage cho con và bắt đầu màn độc thoại. Thoạt đầu người giúp việc, bố mẹ và cả chồng tôi đều thấy buồn cười.

tre cham noi: phai lam sao? hinh 1Các mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con mình kể cả khi chúng còn rất bé (Ảnh: KT)
Nhưng tôi vẫn cứ nói chuyện với con hàng ngày. Các câu chuyện đều xoay quanh những thứ gần gũi hoặc việc tôi đang làm. Ví dụ, khi massage cho con, tôi nói: "Mẹ đang xoa cái chân xinh này. Mẹ xoa cái tay xinh này. Cái chân xinh để lớn lên đi đá bóng. Cái tay xinh để viết chữ, để xúc cơm ăn". Bế con ra phơi nắng, tôi nói với con về mặt trời, ánh sáng, lá cây. Cho con bú, tôi đọc một bài thơ thiếu nhi hoặc hát khe khẽ.

Gần hai tháng sau, con tôi đã biết hóng chuyện. Tôi vẫn lưu clip (đoạn phim) khi con hai tháng mười ngày. Mẹ nói một câu con ừ à một câu, hệt như chúng tôi đang đối thoại vậy.

Từ mốc đó, tôi không còn phải độc thoại nữa. Mẹ nói, con hưởng ứng giống như một trò chơi giữa hai mẹ con. Những lúc tôi đi vắng, tôi yêu cầu người nhà trò chuyện với bé nếu bé thức.

Chồng tôi không phải là người hoạt ngôn, anh bảo rất khó để huyên thuyên với một người chẳng nói gì. Tôi bảo anh có thể hát hoặc đọc thơ cho con. Thế là, suốt sáu tháng, con tôi được nghe đi nghe lại bài "Mười quả trứng tròn" - bài thơ duy nhất bố thuộc. Được một năm rưỡi, cháu con thể đọc trôi chảy bài thơ mà không vấp câu nào.

Ngàn câu hỏi vì sao

Sáu tháng tuổi con tôi biết nói những từ đơn đầu tiên gồm "bà", "mẹ", "vi" (tivi). Chín tháng, cháu có thể giao tiếp và làm cho người khác hiểu ý mình. Lúc này bé cũng mới chỉ nói được một từ một nhưng vốn từ đã khá phong phú. Một tuổi, cháu nói được câu gồm ba bốn từ. Ngoài bố mẹ thì ông bà, anh chị đều có thể giao tiếp và hiểu lời cháu.

Một tuổi rưỡi, nhặt được cái lá bàng màu đỏ trên đường đi chơi, cháu nhìn rồi nói một lèo: "Cái lá này to quá. Cái lá này to thế. Cái lá này to bự. Cái lá này to đùng. Cái lá này to khủng khiếp".

Một đặc điểm nữa, bé dùng ngôn ngữ rất chính xác, rất ít khi nói linh tinh hoặc dùng sai từ. Ví dụ quả bóng bị lăn vào gầm bàn, cháu lấy cái gậy khều ra. Khều mãi không được, cháu bảo "không tới". khi mẹ lấy giúp, quả bóng to hơn góc bàn, bị kẹt lại, cháu bảo "không vừa".

Hai tuổi, cháu có thể kể lại một câu chuyện khoảng mười câu. Hai tuổi rưỡi có thể bịa hẳn một câu chuyện có mở đầu và kết thúc. Cháu cũng có thể hát được cả tiếng Anh và tiếng Pháp những bài thiếu nhi đơn giản.

Chúng tôi đưa con đi chơi, dọc đường đi luôn là tiếng nói chuyện. Thường cháu hỏi, bố mẹ trả lời. Ở nhà chúng tôi thống nhất nguyên tắc không từ chối bất cứ câu hỏi nào của con. Và bố mẹ chơi với con sẽ thường xuyên nói chuyện. Chơi ô tô sẽ giải thích về ô tô. Chơi bóng sẽ giải thích về bóng. Chơi xếp hình sẽ giải thích về nhà cửa, trang trại.

Chúng tôi hay đùa là mỗi ngày đều phải trả lời cả ngàn câu hỏi vì sao. Vốn từ của con vì vậy rất phong phú. Cháu thích dùng ba bốn cách khác nhau để cùng nói về một chuyện. gặp một từ mới hoặc khó, cháu hỏi. Chúng tôi thường giải thích cặn kẽ, nghiêm túc.

Vì vậy, trong câu chuyện của mẹ con tôi, thường xuyên xuất hiện những cụm từ như "con thạch sùng sợ chạy té khói", "trục xuất con gián ra khỏi nhà", "ông trời hôm nay có vẻ buồn, mặt ông ấy đen sì sì"…

Cho đến nay, có năm người trong số bạn hữu và thân quyến của tôi áp dụng theo cách ấy. Con của họ đều biết nói trước một tuổi và các cháu đều sử dụng ngôn ngữ rất tốt.

Vài kinh nghiệm riêng, chia sẻ cùng bạn đọc.

Giao tiếp càng nhiều càng tốt

Trong tất cả các tài liệu về nuôi dạy trẻ, ưu tiên dạy nói luôn được chú trọng hàng đầu, bởi ngôn ngữ là công cụ tiếp cận tri thức của con người.

Các bé có khả năng nghe và nhận biết âm thanh ngay từ trong bụng mẹ. Càng được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ, bé càng sớm biết nói.

Trò chuyện với bé vừa chào đời có vẻ vô nghĩa nhưng thực ra không phải vậy. Tai và phần não của trẻ phản ứng với âm thanh đã được kích hoạt từ khi chưa sinh. Bố mẹ nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt cho bé. Bé hấp thụ nhiều hơn điều bạn nhận thấy.

Ngoài ra, trò chuyện đúng cách từ khi con sinh không chỉ giúp con học nói sớm mà còn cho phép bé làm chủ vốn từ vựng lớn hơn. Khi bắt đầu phân biệt được từ ngữ, chúng sẽ dễ dàng hiểu tất cả các từ mà chúng được nghe. Trẻ sẽ nói chuyện thông minh và suôn sẻ hơn về sau.

Có thể thực hiện bằng cách đọc truyện cho trẻ, kể cho trẻ các sự kiện diễn ra hàng ngày hoặc hát cho trẻ nghe. Theo các chuyên gia ngôn ngữ, các bậc cha mẹ hãy nói hoặc đọc cho trẻ nghe bằng giọng chuẩn để giúp trẻ có thể nhận biết và nói các từ ngữ một cách đúng đắn sau này.

BS Nguyễn Minh Thùy (BV Nhi Trung ương)

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ