Trao sinh kế cho trò nghèo

GD&TĐ - Từ mô hình 'Tủ bánh mì 0 đồng' giúp học sinh no bụng vào mỗi sáng, thầy Vũ Văn Tùng triển khai thêm nhiều chương trình ý nghĩa, hỗ trợ trò vùng khó.

Thầy Vũ Văn Tùng (ở giữa) bàn giao mái ấm, vật dụng thiết yếu cho em Nay H’Lại và gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thầy Vũ Văn Tùng (ở giữa) bàn giao mái ấm, vật dụng thiết yếu cho em Nay H’Lại và gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” giúp học sinh no bụng vào mỗi sáng, thầy Vũ Văn Tùng triển khai thêm nhiều chương trình ý nghĩa, hỗ trợ trò vùng khó để có điều kiện tốt nhất khi đến trường.

Sẻ chia hạnh phúc

Thầy giáo Vũ Văn Tùng sinh năm 1980 ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Đà Lạt, năm 2007, thầy tình nguyện đến Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) công tác.

Chứng kiến nhiều học sinh khó khăn, không no bụng khi đến lớp, thầy trích tiền túi hỗ trợ các em mua bánh mì vào mỗi sáng. Thế nhưng số lượng ít, chẳng đủ cho lũ trẻ lấp đầy chiếc bụng đói.

Thương trò, muốn cùng thầy Tùng giúp đỡ học sinh, thời gian đầu một hàng bánh mì trên địa bàn đồng ý hỗ trợ 60 ổ/tuần để phát ở điểm trường Bi Gia - Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, thầy Tùng cùng bạn bè tiếp tục kêu gọi để xây dựng “Tủ bánh mì 0 đồng” tại điểm trường làng Bi Giông với số lượng tăng lên 200 ổ/ngày.

Để kịp cho học sinh ăn sáng, mỗi tuần 3 ngày, thầy Tùng thức dậy từ 4 giờ 30 phút, vượt khoảng 40km đi lấy bánh mì về phát cho các em rồi quay trở lại trường chính dạy chữ.

Khâu chuẩn bị của thầy phải xong trước 6 giờ 40 phút để các em kịp vào giờ học. Trường gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ nên tại điểm trường làng Bi Gia, thầy Tùng nhờ giáo viên chủ nhiệm phát bánh cho học sinh.

Không chỉ duy trì “Tủ bánh mì 0 đồng”, từ năm 2021 đến nay, thầy Tùng còn kêu gọi nhà hảo tâm triển khai mô hình “Quỹ Sinh kế”. Kể từ đó, 18 học sinh khó khăn được hỗ trợ bò, dê… Thầy Tùng không chỉ gói gọn, hỗ trợ cho học sinh ở huyện Ia Pa mà nhân rộng ra các địa bàn lân cận như: Đăk Pơ, Ayun Pa… để có nhiều hơn học sinh cơ cực được hỗ trợ.

Quỹ Sinh kế của thầy Tùng hiện có hơn 200 triệu đồng và 16 con bò, bê, dê… Mỗi tháng, thầy Tùng hỗ trợ rơm, cỏ và thuốc tiêm phòng, còn phụ huynh, người dân đồng hành nhận chăm sóc miễn phí.

“Bò và dê hỗ trợ đều trong giai đoạn sinh sản để người dân thuận lợi chăm sóc, nhân rộng phát triển kinh tế. Một số gia đình được nhận hỗ trợ từ quỹ tâm sự sẽ đồng hành và trao lại bò, dê… sau khi sinh đẻ cho những trường hợp khó khăn khác. Từ đó nhiều gia đình nhận được hỗ trợ, có nguồn thu nhập ổn định. Tôi rất vui khi những hoàn cảnh khó khăn biết sẻ chia, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống”, thầy Tùng nói.

Thầy Vũ Văn Tùng - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp được vinh danh trong Chương trình 'Vinh quang Việt Nam' năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Vũ Văn Tùng - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp được vinh danh trong Chương trình 'Vinh quang Việt Nam' năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nối dài những yêu thương

Mong muốn học sinh có điều kiện tốt nhất để đến trường học tập, từ cuối năm 2023, thầy Tùng triển khai xây dựng mái ấm cho trò nghèo. Tháng 12/2023, căn nhà của em Rmah Thoa (lớp 2, Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) là mái ấm đầu tiên thầy Tùng hỗ trợ.

Trước kia, Rmah Thoa ở trong căn nhà nhỏ, chỉ có khung nhà dựng sẵn. Do không có kinh phí nên ông bà Rmah Thoa chẳng thể hoàn thiện, chỉ ở tạm để che mưa, nắng. Biết được hoàn cảnh của trò, thầy Tùng mua ván, tôn trị giá hơn 22 triệu đồng rồi phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã đóng góp ngày công để hoàn thiện ngôi nhà mà ông bà Rmah Thoa để lại.

Nhận thấy việc làm ý nghĩa, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay, đến nay thầy Tùng đã xây dựng 3 căn nhà cho 3 học sinh hoàn cảnh khó khăn. Căn nhà gần nhất được xây dựng cho gia đình em Nay H’Lại vào tháng 4/2024 có diện tích 60 m2, tổng trị giá gần 90 triệu đồng.

Gia đình em Nay H’Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp) thuộc diện hộ nghèo với 6 thành viên, lâu nay ở trong căn nhà nhỏ, tạm bợ, hở trước dột sau.

Được hỗ trợ xây dựng lại căn nhà, cả gia đình em đều vui mừng, hạnh phúc. Còn H’Lại vô cùng xúc động khi không còn sợ sách vở bị ướt hay phải đi ngủ nhờ do mưa dột. “Em biết ơn thầy Tùng và các nhà hảo tâm. Em sẽ cố gắng học thật tốt thay lời cảm ơn đến mọi người”, em H’Lại tâm sự.

Thầy Tùng chia sẻ: Những hoàn cảnh được giúp đỡ đều là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Khi bắt tay vào thực hiện, mỗi mái ấm hoàn thành sẽ giúp học sinh nghèo yên tâm sinh hoạt và nuôi dưỡng ước mơ đến trường. Để có được mái ấm cho trò nghèo cần sự chung tay, hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm…

“Tủ bánh mì 0 đồng là bước khởi đầu giúp học sinh no bụng khi đến trường, còn Quỹ Sinh kế và Mái ấm cho trò nghèo mới mang tính chất bền vững, giúp các em cùng gia đình từng bước ổn định cuộc sống. Mỗi năm, tôi và các nhà hảo tâm phấn đấu hỗ trợ 1 - 2 căn nhà cho học trò khó khăn để có điều kiện tốt hơn khi đến trường”, thầy Tùng chia sẻ.

Cùng với xây nhà, thầy Tùng dự định thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho học sinh ở vùng khó khăn, địa phương vừa đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, các em có điều kiện học tập, khám chữa bệnh miễn phí.

“Mỗi khi vào làng thăm và hỗ trợ gia đình học sinh, tôi chứng kiến bà con vui, phấn khởi nên bản thân cũng thấy hạnh phúc. Điều này thôi thúc tôi thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hơn nữa”, thầy Tùng bộc bạch.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, thầy Vũ Văn Tùng - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp là một trong 20 tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024 tổ chức ngày 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Tôi bất ngờ và vinh dự khi là một trong những cá nhân được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024 bởi có quá nhiều người xuất sắc, đóng góp tích cực cho xã hội. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ học sinh, người dân khó khăn”, thầy Tùng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ