Trao giải cuộc thi 'Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh'

GD&TĐ - 8 dự án thiết kế vi mạch của sinh viên có sự hoàn thiện về công nghệ, khả năng ứng dụng thực tiễn, tiềm năng ươm tạo và thương mại hóa.

Dự án thiết kế vi mạch của Nguyễn Đoàn Hoàng Phúc, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM giành giải Nhất cuộc thi. Ảnh: Phúc Uyên
Dự án thiết kế vi mạch của Nguyễn Đoàn Hoàng Phúc, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM giành giải Nhất cuộc thi. Ảnh: Phúc Uyên

Ngày 17/5, tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, ban tổ chức cuộc thi "Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh" lần thứ 2 tổ chức vòng chung kết và trao giải cho các dự án xuất sắc nhất.

Đây là sân chơi thường niên dành cho học sinh, sinh viên và các nhà khởi nghiệp đam mê thiết kế vi mạch, do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM phối hợp với Thành đoàn TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) và Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức.

Cuộc thi năm nay thu hút 68 dự án đến từ 27 trường đại học trên cả nước, với gần 300 thí sinh tham dự, tăng 71% so với mùa đầu tiên.

Tham gia cuộc thi, các thí sinh có cơ hội tiếp cận quy trình thiết kế vi mạch chuyên nghiệp, được hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành và kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất – thương mại trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đặc biệt, cuộc thi là mô hình thí điểm hiệu quả của cơ chế hợp tác 4 nhà (Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp – Nhà đầu tư), góp phần rút ngắn khoảng cách từ đào tạo đến thực tiễn, từ nghiên cứu đến thị trường.

Các nhóm dự án được đào tạo thực tế với sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Synopsys, Cadence, Tresemi và các trường đại học tiên phong, nhằm hoàn thiện ý tưởng và quy trình thiết kế trên các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế.

giai-trien-vong.jpg
Ban tổ chức trao các giải triển vọng.

Tại vòng chung kết, 8 dự án xuất sắc đã tham gia thuyết trình và trả lời phản biện của Ban giám khảo.

Kết quả, giải Nhất (trị giá 50 triệu đồng) thuộc về dự án thiết kế vi điều khiển RISC-V tích hợp mã hóa cứng hướng đến tiết kiệm năng lượng, của Nguyễn Đoàn Hoàng Phúc – sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM.

Giải Nhì (trị giá 30 triệu đồng) được trao cho dự án Digital Camera ASIC của sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hai giải Ba (trị giá 20 triệu đồng) thuộc về nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với dự án thiết kế IP mã hóa/giải mã AES-128 trên ASICs và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với dự án bộ chuyển đổi Buck DC-DC đáp ứng kịp thời với dải tải rộng.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải Khuyến khích, 19 giải Triển vọng và một giải Ươm mầm khát vọng.

vinh-danh-8-du-an-thiet-ke-vi-mach-cua-sinh-vien-2.jpg
Các dự án tham gia cuộc thi chụp hình lưu niệm cùng đại diện ban tổ chức tại vòng chung kết cuộc thi. Ảnh: Phúc Uyên

Ban giám khảo cho biết, các sản phẩm được đánh giá dựa trên mức độ hoàn thiện về công nghệ, khả năng ứng dụng thực tế, cùng tiềm năng ươm tạo và thương mại hóa.

Theo PGS.TS Lê Quốc Cường – Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, các dự án năm nay được đánh giá cao bởi tư duy đổi mới và khả năng bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu.

"Nhiều thiết kế đã đạt mức độ hoàn thiện từ 60–90%, sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm và thương mại hóa. Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lực lượng kỹ sư thiết kế vi mạch trẻ tại Việt Nam", ông Cường nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ