Trao giải Cuộc thi "Đại sứ học đường" và hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại Hà Giang

GD&TĐ - Qua cuộc thi, các em học sinh và người dân có kiến thức và các kỹ năng để chủ động phòng tránh, xử trí khi gặp bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, góp phần giảm thiểu tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trao quà hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: B.Luân
Trao quà hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: B.Luân

Sau hơn 1 tháng tổ chức, sáng 17/12, tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang), Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Vị Xuyên tổ chức tổng kết công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tại nạn bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn và trao giải Cuộc thi “Đại sứ học đường”.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Hà Giang và UBND huyện Vị Xuyên đã tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ tại các địa phương có diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền gồm: Cung cấp tài liệu tuyên truyền về tác hại của bom mìn; chiếu phim tuyên truyền tại các trường học; phát hành bộ câu hỏi và đáp án về tác hại của bom mìn và cách xử trí khi gặp bom mìn; tổ chức Cuộc thi “Đại sứ học đường”. Qua các hoạt động sẽ giúp các em học sinh và người dân có kiến thức và các kỹ năng để chủ động phòng tránh, xử trí khi gặp bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, góp phần giảm thiểu tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cuộc thi “Đại sứ học đường” được phát động từ ngày 25/10 – 8/12, thu hút gần 1.000 học sinh đến từ các trường học trên địa bàn huyện Vị Xuyên tham gia.

Tham gia cuộc thi, học sinh được chủ động lựa chọn hình thức tham gia dự thi, có thể tham khảo các gợi ý như vẽ tranh, chụp ảnh, làm thơ, sáng tác slogan và các hình thức sáng tạo khác theo chủ đề của cuộc thi… Theo đánh giá, các tác phẩm tham dự cuộc thi chủ yếu là tranh vẽ có nội dung, thông điệp rõ ràng, hình ảnh, màu sắc hài hòa, chặt chẽ, phù hợp với thực tế tại địa phương.

Kết thúc cuộc thi, Ban Giám khảo cuộc thi đã chấm và lựa chọn trao giải cho 1 tập thể và 31 cá nhân có tác phẩm dự thi xuất sắc.

Nhân dịp này, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã hỗ trợ 20 nạn nhân bị bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, mỗi hộ 12 triệu đồng.

Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, việc bố trí hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược với mật độ lớn và dày nên số lượng bom mìn, vật nổ còn tồn sót chưa được rà phá trên địa bàn tỉnh Hà Giang là rất lớn. Chỉ tính riêng dọc tuyến biên giới của 34 xã, nhất là ở các xã: Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và xã Phú Lũng (huyện Yên Minh) hiện vẫn còn hàng trăm héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật cản nổ chưa được rà phá.

Những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn. UBND tỉnh Hà Giang cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền về tác hại của bom mìn, vật nổ và cách nhận biết để phòng, tránh cho nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng biên giới có đất canh tác sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ