Ôn thi môn Lịch sử: Nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, không cần đến lò luyện

GD&TĐ - Sau khi Lịch sử được công bố là môn thi thứ tư vào lớp 10 ở Hà Nội, nhiều học sinh khá lo lắng. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đều có lời khuyên các em học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt được kết quả tốt với môn học này.

Ôn thi môn Lịch sử: Nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, không cần đến lò luyện

Cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: Tâm lý lo lắng của học sinh là điều dễ hiểu, song các em không nên quá hoang mang.

Hơn nữa, phạm vi đề thi cũng đã được xác định rõ là theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS hiện hành, chủ yếu là ở lớp 9, bởi vậy, các em cần bình tĩnh và ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Với cấu trúc và hình thức đề thi tham khảo, học sinh là cần bám sát chương trình lớp 9 để ôn tập. Các em cần đọc kĩ sách giáo khoa, trả lời câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Đồng thời cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ các kiến thức cơ bản, dễ tra cứu khi cần.

“Đề thi tương đối cơ bản, không có câu hỏi đánh đố học sinh, không có câu hỏi tích hợp hay vận dụng kiến thức thực tế. Các câu hỏi trải đều tất cả các nội dụng trong sách giáo khoa, vì vậy học sinh không được học tủ bất kì nội dung nào, ngoài việc nắm kiến thức cơ bản học sinh cần rèn luyện kĩ năng so sánh và tổng kết để có thể làm được những câu hỏi dạng liên chuyên đề”, cô Hương cho biết.

Tuy nhiên, các em cũng cần một số lưu ý như: Cần bám chắc cấu trúc đề minh họa để ôn tập, ôn đều các chuyên đề theo kế hoạch phù hợp, không để mất điểm phần lịch sử thế giới vì phần này đa phần câu hỏi dễ lấy điểm.

Lộ trình ôn tập theo từng tháng, như sau: Tháng 3 tập trung rà soát các kiến thức theo chương trình lớp 9, tháng 4 có thể kết hợp luyện đề và ôn bổ sung kiến thức còn thiếu, tháng 5 cần đẩy mạnh luyện đề, bấm giờ như thi thật, rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc.

Bên cạnh đó, học sinh cần đọc và ôn kỹ các bài tổng kết chương để nắm được các diễn biến của lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử; rèn cách tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề; rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm như phân chia thời gian làm bài hợp lý, bấm giờ làm bài...

Theo ghi nhận tại các nhà trường, có khá nhiều phụ huynh, học sinh mua tới ba - bốn loại sách tham khảo về ôn thi trắc nghiệm môn lịch sử. Nhiều người băn khoăn bởi số tài liệu tham khảo khá nhiều, trong khi ở lớp chỉ thấy thầy, cô giáo dạy theo sách giáo khoa, cũng không phổ biến việc đi học thêm.

Để giải tỏa mối lo này, ông Kiều Văn Minh- Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) giải đáp: Với phạm vi kiến thức đề thi của các môn đã được công bố, các em không cần thiết phải đến lò luyện mà nên học theo hướng dẫn của giáo viên và lấy sách giáo khoa làm tài liệu chính, mọi loại sách khác chỉ có tác dụng tham khảo.

Riêng với môn Lịch sử, các em học sinh cần chú ý trả lời hết các câu hỏi ở cuối mỗi bài, ghi nhớ nội dung các bài tổng kết để khái quát kiến thức, rèn luyện tư duy phân tích, song không học tủ, học lệch, bởi đề thi theo hình thức trắc nghiệm đòi hỏi kiểm tra kiến thức tổng hợp.

Chi tiết đề thi tham khảo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 môn Lịch sử:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ