Giải pháp cấp thiết giúp triển khai thành công chương trình mới môn Mĩ thuật

GD&TĐ - Những giải pháp giúp triển khai thành công môn Mĩ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới được cô Quách Thị Ngọc An - Giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW – chia sẻ tại tham luận gửi tới hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” được tổ chức mới đây.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo cô Ngọc An, một trong những thay đổi cơ bản của môn Mĩ thuật trong chương trình mới là phát triển hai mạch nội dung Mĩ thuật tạo hình và Mĩ thuật ứng dụng; trong đó có sự bổ sung về: Đồ họa (tranh in), Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang…

Tuy nhiên, những kiến thức này trước đây vẫn chưa thực sự được chú trọng trong chương trình đào tạo giáo viên mĩ thuật.

Để chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công như mong muốn đối với môn mĩ thuật, theo cô Quách Thị Ngọc An, một trong những giải pháp cấp thiết cần phải được tiến hành song song với quá trình thiết kế các bộ sách mĩ thuật, đó là cần bồi dưỡng kiến thức về mĩ thuật ứng dụng cho giáo viên dạy Mĩ thuật ở các trường phổ thông, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Cần mời chuyên gia trong các chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực Mĩ thuật ứng dụng phối hợp với ngành giáo dục đào tạo để viết các tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên. Tiến hành các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên mĩ thuật về Mĩ thuật ứng dụng.

Thứ hai: Có thể thiết kế với cơ chế mở để có những lớp liên thông về Mĩ thuật ứng dụng dành cho các giáo viên mĩ thuật. Với hình thức này, các giáo viên nào thực sự say sưa, muốn tham gia học tập sẽ được học hỏi và thực hành kỹ hơn.

Thứ ba: Có thể bổ sung thêm hình thức dạy học tương tự như thỉnh giảng ở hệ đại học, các trường phổ thông có thể được phép mời một số nhà thiết kế về dạy một số bài học có kiến thức Mĩ thuật ứng dụng. Hoạt động này sẽ giúp cho học sinh được hiểu về kiến thức thiết kế một cách chuyên nghiệp hơn, ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc, dự giờ và tự học các giáo viên Mĩ thuật sẽ học hỏi được thêm, nâng cao trình độ của bản thân, dần dần đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình mới.

Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của chuyên gia nhiều lĩnh vực trong ngành giáo dục để viết lại chương trình đào tạo ngành Sư phạm Mĩ thuật để có thể kịp thời đào tạo các cử nhân đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình mới.

Mặt khác, có thể bổ sung một đối tượng giáo viên mĩ thuật mới được tuyển dụng từ các cử nhân tốt nghiệp các ngành Mĩ thuật ứng dụng như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp... để bổ sung, dạy song hành, phối hợp cùng các giáo viên mĩ thuật khác để có thể đảm nhiệm tốt được nhiệm vụ giảng dạy mĩ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Mĩ thuật sẽ cần bổ sung thêm một số lượng lớn giáo viên. Bên cạnh đó, cần có chủ trương tăng quyền chủ động cho các nhà trường mời người ngoài trường tham gia thỉnh giảng, hướng dẫn thực hành các bài tập thuộc Mĩ thuật ứng dụng.

Đặc biệt, cần có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên Mĩ thuật hiện tại để có để đảm nhiệm triển khai chương trình với các yêu cầu mới. Việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mĩ thuật hiện tại đang dạy học ở các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn phải là việc ưu tiên hàng đầu.

Cô Quách Thị Ngọc An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ