Nhiều cha mẹ “than” rằng con không ham học và thậm chí làm nhiều cách đề trì hoãn việc học tập. Điều đó khiến họ bất lực trong việc hướng con vào việc học.
Chị Thanh Bình – Đống Đa – Hà Nội chia sẻ về con trai năm nay bước vào học lớp 2: Gần như tối nào cũng phải nhắc nhở, “ngọt nhạt”, thậm chí có cả dọa nạt thì con mới ngồi vào bàn học dù đã có quy định rõ ràng giờ học mỗi buổi tối. Rất ít khi con tự giác ngồi học. Chính vì vậy việc học tập thường mang tâm trạng bị ép buộc, tâm lý nặng nề… chứ không hề hào hứng hoặc có sự chủ động.
Còn với anh Hà Trung Dũng – quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại lo lắng về tình trạng học không tập trung của con trai năm nay bước vào lớp 1“Cứ ngồi vào bàn học 5 phút là cu cậu lại đòi đi vệ sinh, lấy nước uống. Nếu bố mẹ ngồi cùng thì học, rời bố mẹ lại mang bút chì ra gọt, hoặc quay ngang ngửa tẩy xóa, vẽ vời lên giấy nháp…”.
Cách gì để trẻ đến tuổi đi học quen với việc học nhiều hơn chơi so với bậc mẫu giáo? Không sợ học, học tập trung và hứng thú từ khi bắt đầu? TS. Vũ Việt Anh – Chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng “bí quyết” quan trọng nhất trong giai đoạn này chỉ nằm gọn trong 4 từ: Kiên trì; Yêu thương, Trò chuyện, Khen ngợi.
![]() |
Trò chuyện, khích lệ để trẻ giảm áp lực học tập |
Lời khuyên đầu tiên với các bậc cha mẹ đó là cần phải nhận thức rằng, tất cả trẻ em đều có tài năng và đều có thể học được, chỉ có cách học chưa phù hợp mà thôi. Vì vậy cha mẹ cần kiên trì tìm hiểu phương pháp cách học phù hợp với năng lực và tính cách của con.
Hiện nay khoa học đã phát hiện ra 8 loại hình thông minh của các con và với mỗi loại hình thông mình cần có phương pháp học tập phù hợp. Ví dụ với các bạn có loại hình thông mình thị giác không gian cần có cách thức học bằng hình ảnh, mô hình, video. Các bạn có loại hình thông minh tương tác, vận động cần có phương pháp học tập qua trò chơi, trải nghiệm. Ngược lại các bạn có loại hình thông minh nội tâm lại cần tạo dựng môi trường học tập yên tĩnh, đẹp, lãng mạn...
Tiếp đến cha mẹ luôn phải tự nhắc nhở mình yêu thương con vô điều kiện, không được tức giận, mắng mỏ con. Bởi chỉ cần cha mẹ không kiểm soát được cơn nóng giận thì việc dạy con đã “thua từ vòng gửi xe”.
Khi cha mẹ nóng giận sẽ tạo ra cơn ức chế làm bộ não của các con mất khả năng tiếp thu và càng quát mắng con sẽ càng sợ hãi việc học tập.
Trò chuyện, khích lệ với con để giảm tải áp lực cho con trong giai đoạn này cũng là cách thức khôn ngoan và vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần thay vì những câu hỏi áp lực như: Hôm nay cô có phạt không? Hôm nay được mấy điểm?... thành những câu hỏi định hướng như: Hôm nay con học được điều gì mới? Hôm nay con phát hiện ra điều gì hay ho? Hôm nay con có điều gì vui? Hôm nay con làm được việc gì tốt?... Với cách quan tâm hỏi han này sẽ làm cho các con hứng thú với việc học tập.
![]() |
Cần dạy trẻ những phương pháp học tập phù hợp. |
Cuối cùng, TS. Vũ Việt Anh khẳng đinh: “Những lời khen ngợi như “liều thuốc bổ” quý giá nhất cho não bộ của trẻ”. Vì vậy, không chỉ bản thân ông luôn thực hiện với con mình mà còn thường khuyên các phụ huynh nên khen ngợi con mình ít nhất 20 lần trong một ngày. Như vậy sẽ giúp trẻ mạnh dạn và tự tin hơn.
Khen con là một nghệ thuật, không khen lố, khen quá để con trở nên kiêu ngạo, ảo tưởng. Hãy khen con ngay khi con làm đúng một việc gì đó, bằng lời nói, bằng cử chỉ, hành động, bằng ánh mắt trìu mến yêu thương…
Hãy khen con vào những chi tiết độc đáo duy nhất của con. Khen con từ chi tiết nhỏ nhất. Đơn giản như: chữ này con viết đúng rồi, đẹp quá, những chữ kia mà con cũng viết được như thế thì thật tuyệt, con nỗ lực được chứ?...