Cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn 2 Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Sau 3 năm thành lập, nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị của các họa sĩ hiến tặng hoặc được mua về vẫn phải “xếp kho”.
3 năm bảo tàng vẫn ở “trên giấy”
Cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định số 2658/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế dựa trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị.
Theo đó, Bảo tàng Mỹ thuật Huế là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để họat động; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao; có nhiệm vụ lưu giữ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, trao đổi, hợp tác và đối ngoại thông qua các họat động chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng và mỹ thuật.
Về kết cấu, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ có 3 không gian gồm: Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Trụ sở Bảo tàng đặt tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Về cơ cấu tổ chức, Bảo tàng Mỹ thuật Huế có giám đốc và không quá 2 phó giám đốc. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Tổ chức – Hành chính; Phòng Trưng bày – Hướng dẫn; Phòng Nghiên cứu – Bảo quản. Quyết định về việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018.
Thế nhưng, từ đó đến nay đã tròn 3 năm nhưng bảo tàng không có trụ sở lẫn không gian trưng bày, khiến cho công tác vận hành, họat động gặp không ít khó khăn. Nhiều tác phẩm mỹ thuật được hiến tặng, sưu tầm và mua hằng năm đành phải cất kín trong kho.
Trước đó, cũng vào cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” (đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền). Không gian này nhằm kết nối hệ thống các trung tâm nghệ thuật, nhà trưng bày, bảo tàng… tạo điểm nhấn, nâng cao vị thế của Huế.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế ban đầu dự kiến sẽ đặt trụ sở tại số 10 Lý Thường Kiệt trước khi chọn được trụ sở mới khang trang, phù hợp nhưng sau đó lại không được thực hiện.
Nghệ thuật “chết” trong kho
Từ khi thành lập bảo tàng, mỗi năm tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp 1 tỉ đồng phục vụ công tác sưu tập tranh. Trong 3 năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tập được trên 100 tác phẩm, trong số đó có nhiều tranh của các danh họa như Tôn Thất Đào, Mai Trung Thứ, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối...
Đáng tiếc là vì thiếu không gian trưng bày, nên toàn bộ số tranh được hiến tặng cũng như sưu tầm đều phải “xếp kho”, không thể trưng bày để quảng bá và làm lan toả các giá trị văn hóa – nghệ thuật xứ Huế đúng như chức năng, nhiệm vụ của một bảo tàng.
Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng thừa nhận, hiện nay bảo tàng mới chỉ thực hiện được một nửa công năng - đó là sưu tập, lưu trữ, bảo quản tác phẩm.
Việc mua tranh về để “xếp kho” không chỉ lãng phí mà còn khiến người yêu nghệ thuật đau lòng lẫn nghi ngại, dẫn tới sự khó khăn trong công tác sưu tập. Bởi không họa sĩ nào muốn tranh của mình được sưu tập về để cất trong kho.
Theo giới mỹ thuật, Huế từng là nơi đào tạo, sinh sống cũng như hoạt động nghệ thuật của nhiều họa sĩ. Thế nhưng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế được lập lại không xứng tầm với nét văn hóa đang có.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, dù tranh sưu tập về được bảo quản chuyên nghiệp nhưng lấy gì đảm bảo nhiều năm sau tác phẩm vẫn nguyên vẹn, không ẩm mốc hư hại. Số lượng tác phẩm tăng lên hằng năm, bảo tàng phải “ké” kho của 2 Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Tuy nhiên, không gian nhà kho cũng có giới hạn, bảo quản mãi mà không thể trưng bày thì những tác phẩm hội họa khác nào “nghệ thuật chết”.
Trao đổi với giới báo chí, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: Một bảo tàng mỹ thuật là rất cần thiết cho một thành phố du lịch, văn hóa festival như Huế.
Trong khi đó, thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, sở này sẽ tổ chức một cuộc triển lãm quy mô về chủ đề “Mỹ thuật Huế: Quá khứ - hiện tại và tương lai” tại kỳ Festival Huế 2022 tới.
Trong không gian trưng bày, sở sẽ tính toán thuê khu vực phù hợp để công chúng thấy giá trị và thế mạnh của mỹ thuật Huế. Đồng thời, qua đó sẽ hiểu được cần có trụ sở và không gian trưng bày cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng cho biết, Bảo tàng Văn hóa Huế trực thuộc UBND TP Huế từng có trụ sở tại số 23 - 25 Lê Lợi. Đến năm 2020, bảo tàng không còn và trở thành một bộ phận trưng bày thuộc Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao TP Huế.
Nếu được quan tâm để chọn nơi này làm trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Huế thì phù hợp - gần với Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị và các không gian văn hóa ở bờ Nam sông Hương như đề án mà UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế từng phê duyệt.