Tranh sen Việt 'tỏa hương' trên đất Phật

GD&TĐ -Trên 30 bức tranh vẽ hoa sen của nữ họa sĩ Bình Nhi sẽ được triển lãm tại Nepal vào ngày 26/8.

Họa sĩ Bình Nhi.
Họa sĩ Bình Nhi.

Triển lãm “Âm không” là thành quả trong vòng một tháng miệt mài sống và vẽ tại đất Phật Nepal. Dù là triển lãm cá nhân, nhưng đây cũng là cơ hội để quảng bá hội họa Việt ra với thế giới.

Vẽ những gì đang thấy

Nữ họa sĩ Bình Nhi cho biết, sống tại Nepal là một chặng đường dài hơn những gì mà ban đầu chị dự tính. Ước nguyện đầu tiên của chị khi đến đất Phật là mong muốn tìm hiểu thêm về tranh Phật, Mandala và Thangka tại Tsering Art School thuộc tu viện Shechen.

Sau một tháng trải nghiệm nhiều nơi, nữ họa sĩ cảm thấy màu sắc, con người và phong cảnh nơi đây như hòa làm một. “Tôi đã vẽ một cách tự nhiên không gò ép, vẽ như thở và trên 20 bức tranh trên giấy gạo đã ra đời. Ý tưởng lưu lại kỷ niệm đẹp qua một triển lãm cá nhân làm tôi thấy ý nghĩa, tôi bắt đầu sáng tác nhiều hơn vào ngoài giờ học”, Bình Nhi cho biết.

Nhân duyên lành đến với Bình Nhi tại Siddhartha Gallery, khi được bà chủ gallery sắp xếp họa sĩ Việt vào giữa lịch dày đặc của các cuộc triển lãm của các nghệ sĩ quốc tế. Triển lãm sẽ khai mạc ngày 26/8 và kết thúc vào ngày 28/8, với số lượng tác phẩm bày 2 tầng của gallery trên 30 bức tranh.

Tầng 1 bày 10 bức tranh vẽ về “hoa sen và côn trùng” trên toan, tầng 2 trưng bày toàn bộ tranh vẽ bột màu trên giấy gạo về phong cảnh, con người và những nơi họa sĩ từng trải nghiệm tại đất nước Nepal.

Toàn bộ các bức tranh được vẽ với ngôn ngữ trừu tượng và được vẽ trong series tranh sáng tác mới nhất tại Kathmandu Nepal. Màu sắc tôn giáo nơi đây cuốn hút Bình Nhi, đam mê và muốn bộc lộ bằng đường nét, chất cảm và màu sắc.

Họa sĩ Bình Nhi nói rằng: “Mỗi chặng đường tôi đi qua đều mang âm vực của những câu thần chú, những bài kinh Phật. Đó là âm thanh của sự giải thoát, âm thanh của sự tự do và an lạc mà tôi cảm nhận được.

Nó không thể diễn tả thành lời, cũng không thể vẽ lên âm thanh đó. “Âm không” có lẽ là trạng thái khi bản thân mình chạm đến sự giải thoát, nó không phải không có âm thanh, không phải vô thanh. Hoàn toàn trước đó nó có âm thanh, và vẫn đang có, nhưng nó giống như rơi vào tĩnh lặng của tâm thức”.

Nghiên cứu Phật pháp, vẽ tranh Phật để tu sửa chính mình, với Bình Nhi sự tĩnh lặng hay nông nổi cũng chính là mình. Với nữ họa sĩ, mọi thứ thực sự không xa rời cuộc sống, nó chính là cơm ăn nước uống hàng ngày - là mọi thứ diễn ra xung quanh, và chị vẽ những gì đang sống giữa thực tại.

Chất liệu Acrylic trên toan (90x240cm).

Chất liệu Acrylic trên toan (90x240cm).

Sống thuận tự nhiên và hướng thiện

“Tác phẩm của tôi phải là cái tôi muốn nói, nó chân thật mộc mạc như cuộc sống tôi có. Thiền - theo tôi cũng vậy không hề xa vời, chỉ là ta có tĩnh lặng tâm mình để thấy hay không. Tranh tôi luôn mạnh mẽ, hỗn loạn về bút pháp, rối tung trong bố cục, màu sắc rực rỡ”. Họa sĩ Bình Nhi

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Bình Nhi sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn. Gia đình có truyền thống nghệ thuật, chồng Bình Nhi là họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng, nên mỗi bước đi của chị đều có sự dẫn dắt chuyên môn từ người chồng.

Tuy nhiên, nữ họa sĩ đã ý thức phải tìm hướng đi riêng cho mình. Trong hội họa, bút pháp có thể học được nhưng tư duy thì tuyệt nhiên không. Từ đó, công chúng thấy tranh Bình Nhi có hoa lá, côn trùng, động vật mà hàng ngày chị quan sát được.

Hòa mình với thiên nhiên làm cho cuộc sống thấy an lạc, hạnh phúc. Sống thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất và thực hành nhiều việc thiện – là cách mà nữ họa sĩ tìm về chính mình.

Vào tháng 8/2021, khi dịch Covid-19 đang căng thẳng, gia đình họa sĩ Bình Nhi đã góp rất nhiều tranh để nhà nghiên cứu Lý Đợi bán đấu giá gây quỹ mua giường hồi sức, máy thở và xe lăn cho bệnh viện dã chiến.

Ông Lý Đợi đã dành riêng một phiên đặc biệt để tri ân gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943 - 2020) và các con Nguyễn Quốc Thắng, Bình Nhi. Hơn 10 năm qua, thông qua những phiên bán tranh thiện nguyện, gia đình này đã tặng rất nhiều tác phẩm.

Tại 3 phiên đấu giá mua giường hồi sức, gia đình họa sĩ Quốc Thái đã hiến tặng hàng chục tác phẩm. “Điều đặc biệt ở nghệ thuật thiện nguyện là góp tranh và bán tranh. Các nghệ sĩ khá vô tư và bao dung, thường để ban tổ chức tùy ý xử lý, nhiều khi bán với giá thấp đến xót xa”, ông Lý Đợi chia sẻ.

Vẽ để tu hay tu để vẽ, với Bình Nhi có lẽ cũng là một. Những bức tranh mà chị sáng tác, người ta không thấy ý tứ thị trường mà mang tâm Phật. Bởi vậy, Siddhartha Gallery trong lời giới thiệu tranh Bình Nhi viết rằng: Các tác phẩm mang theo tiếng thần chú, kinh Phật - trạng thái của hòa bình và giải phóng.

Cuộc sống yên bình tại Nepal cũng giúp Bình Nhi có góc nhìn mới. Chị nói rằng, con người sống nơi đó thật chậm, ở những góc chợ nhỏ với những người bán hàng hoa quả, bán rau rồi nghề đồng nát... hầu hết là đàn ông. Có vẻ như họ chọn nghề một cách rất hồn nhiên và đầy hạnh phúc.

Trái ngược với phong thái sống chậm ấy, nữ họa sĩ đã vẽ thật nhanh - khi thành quả trong vòng 1 tháng là hơn 30 bức tranh. Thế nhưng, tốc độ nhanh ấy không phải là vội, mà là một “Âm không” như tên của triển lãm. Những bông sen như toả hương thơm ngát từ những nhát cọ của tâm thức.

Nhiều người hỏi Bình Nhi sao thích vẽ sen? Câu hỏi dễ nhưng thực ra cũng khó trả lời. Nếu nói chỉ vì thích, vì muốn gần gũi thiên nhiên hay thuần khiết gắn liền với triết lý nhà Phật – thì chưa hẳn đã thuyết phục. Nhưng chắc chắn một điều rằng, người nghệ sĩ muốn vẽ những thứ mà trong vô thức không chạm tay tới được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ