Tránh rước họa vì dược liệu rởm

GD&TĐ - Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn gần đây liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu dược liệu.

Dược liệu được bán như rau tại chợ đầu mối phía Bắc Hà Nội.
Dược liệu được bán như rau tại chợ đầu mối phía Bắc Hà Nội.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu cho biết, đây chính là rác thuốc.

Nhan nhản dược liệu nhập lậu

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, cơ quan này vừa kiểm tra phát hiện nhiều vụ buôn bán vận chuyển dược liệu nhập lậu trên địa bàn. Đội QLTT đã kiểm tra phương tiện vận tải biển kiểm soát 20A-103.79 có dấu hiệu vi phạm pháp luật đi từ khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về phía sau tiêu thụ.

Lực lượng chức năng phát hiện có 2 mặt hàng là vỏ cây đỗ trọng và hoa cúc khô thường dùng để bào chế, sản xuất thuốc bắc. Cụ thể gồm 240 kg đỗ trọng khô và 88 kg hoa cúc khô có tổng trị giá theo giá thị trường khoảng gần 35 triệu đồng.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số người đang tập kết hàng hóa tại khu vực đường mòn thuộc thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Đã phát hiện có 12 bao hàng chứa nguyên liệu thuốc Bắc như Đại Hoàng, Bạch hoa xà, Kim ngân, Mộc qua... tổng trọng lượng gần 350 kg. Khi thấy lực lượng chức năng các đối tượng đã bỏ trốn.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu cho biết, đây chính là rác thuốc. Chuyện dược liệu rởm nguy hiểm ở chỗ sẽ tạo ra thuốc rởm, không chữa mà còn rước thêm bệnh vào người. Đa phần dược liệu được nhập theo đường tiểu ngạch, không được hải quan kiểm tra chất lượng để cấp phép.

Bộ Y tế nên kiểm tra nghiêm túc các cơ sở kinh doanh mua bán dược liệu. Chỉ cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, giá trị của dược liệu. Đối với dược liệu đã bị chiết xuất hết chất sẽ làm hỏng bài thuốc, vị thuốc khi chữa bệnh.

Ví dụ tam thất bị chiết hết hoạt chất thì bài thuốc chữa bệnh bằng tam thất đâu còn giá trị nữa. Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Gia Điền, giá dược liệu trong nước rất rẻ so giá dược liệu chuẩn ở chính nơi chúng ta nhập về.

“Tôi từng nói chuyện với một giám đốc công ty về dược liệu thì họ bảo đơn giản như hồng hoa mua tại Trung Quốc có giá 16 triệu đồng/kg. Nhưng ở Việt Nam chỉ 3,6 triệu đồng/kg. Với mức giá đó thì chỉ còn bã hồng hoa, không thể tạo ra vị thuốc được”, PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết.

70% dược liệu không đủ tiêu chuẩn

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước. 75% còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Song phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính ngạch hay từ nguồn nhập lậu trót lọt đều chứa hàm lượng độc tố cao, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

PGS.TS Phạm Gia Điền kể, ông từng ngồi trong một hội đồng đánh giá đề tài nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương về thực trạng thị trường dược liệu ở Việt Nam hiện nay. Theo nghiên cứu thì có đến 70% dược liệu là không đủ chất lượng, thậm chí có loại dược liệu là A thì lại bị gọi tên là B.

Khi tiến hành phân tích thành phần các dược liệu này thì người ta thấy rằng hàm lượng chất không đủ chuẩn. Đáng lưu ý, 90% các vị của thuốc bắc là chúng ta phải nhập khẩu trong đó có cả nhập lậu từ Trung Quốc.

Chỉ có rất ít vị thuốc có thể tự trồng được như đương quy, đan sâm, tam thất. Do đó, vấn đề sức khỏe người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Uống thuốc, không chữa được bệnh, thậm chí còn rước thêm bệnh bởi những hóa chất tẩm ướp, bảo quản.

Nhận biết dược liệu rởm là bài toán hóc búa ngay cả với các chuyên gia. Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, ngay cả khi có chuyên môn thì cũng phải qua các phân tích mới biết được đâu là dược liệu chưa bị chiết xuất. Do đó, người tiêu dùng chỉ còn cách không tham rẻ, mua thuốc ở những cơ sở uy tín, thầy thuốc có trình độ cao, lâu năm. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi rồi về tự chế biến thuốc, rất dễ rước họa.

Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, khi việc quản lý dược liệu được chặt chẽ, chỉ các cửa hàng được cấp phép mới được bán thì người người dân mới yên tâm sử dụng được. Còn hiện nay dược liệu được bày bán nhiều như rau, không ai kiểm soát, quản lý, thì nguy cơ cho người bệnh là cực kỳ cao. Uống thuốc không chữa được bệnh mà lại rước thêm bệnh vào người.

“Hiện Việt Nam có một số vùng trồng dược liệu nhưng không đủ nguyên liệu để sản xuất thuốc. Trong khi nguyên liệu làm thuốc bắc phụ thuộc hoàn toàn vào dược liệu nhập khẩu. Nếu Nhà nước không can thiệp thì các bài thuốc, vị thuốc sẽ trở nên không còn giá trị vì dược liệu rởm”, PGS.TS Phạm Gia Điền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ