Tranh luận 'Đất rừng phương Nam' có phải dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh?

GD&TĐ - Trong khi những tranh luận về 'Đất rừng phương Nam' chưa có hồi kết, thì nhiều người cho rằng đó chính là dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt.

Phim 'Đất rừng phương Nam' đã đạt doanh thu gần 127 tỷ đồng.
Phim 'Đất rừng phương Nam' đã đạt doanh thu gần 127 tỷ đồng.

Phim hút khách nhờ tranh cãi!

“Có quan tâm mới tranh luận”, “đáng chú ý mới cần bàn cãi”, “nếu phim không có gì đặc biệt thì không cần nói”… Đó là những ý kiến xoay quanh ồn ào của “Đất rừng phương Nam”, đặc biệt khi bộ phim là một trong 16 phim truyện điện ảnh tranh giải ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23.

Tới thời điểm hiện tại, sau gần 20 ngày ra rạp (13/10), tranh cãi về bộ phim này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mới đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã phải viết trên trang cá nhân, rằng: “Có rất nhiều người công kích phim “Đất rừng phương Nam” những ngày qua, thậm chí họ thóa mạ... Tôi có đọc hết và tôi thấy rất rất nhiều, có thể nói là đa phần những người cực đoan đó là chưa xem phim. Vì có nhiều lý luận không đúng trong phim diễn ra. Họ nghe bên này, nghe chỗ kia và phát triển thêm hướng họ muốn thóa mạ”.

Vị đạo diễn này cũng dẫn ra một vài chi tiết mà ông cho là “hiểu lầm nổi cộm”.

Từ trước tới nay, việc một bộ phim đình đám lại vướng phải tranh cãi, khen chê… không phải là hiếm. Thế nhưng để ồn ào và lấy đi nhiều bút mực của báo chí, cũng như gây ra những mâu thuẫn trên mạng xã hội như “Đất rừng phương Nam” thì khá hiếm.

Thậm chí, những tranh cãi về bộ phim này còn được đặt trong phần thảo luận tổ ngày 24/10, về các báo cáo kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV). ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến về lý do sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, nhất là phim ảnh Nhà nước đặt hàng thường khô cứng, khó tiếp cận thị trường.

Cụ thể, nhân việc nhiều người làm công tác văn hóa - nghệ thuật tranh luận về “Đất rừng phương Nam” có nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Tại sao phim lịch sử nước ngoài làm hay thế mà ta lại không làm được? Tại sao ta để văn hóa - nghệ thuật nước ngoài xâm lăng, để khán giả Việt Nam ngồi đây nhưng tinh thần thì “vượt biên” theo các sản phẩm nghệ thuật nước ngoài?

Ông Sơn lấy ví dụ một số phim đặt hàng năm nay như “Đào, phở và piano”, hay “Hồng Hà nữ sĩ” dù được Nhà nước đầu tư và thực hiện kỹ lưỡng nhưng không gây chú ý trên thị trường điện ảnh. “Đất rừng phương Nam” không chỉ giới hạn ở một bộ phim, mà rộng ra là cả quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo nghệ thuật và cả phát triển thị trường nghệ thuật.

Chưa thể khẳng định việc tranh luận về phim có phải dấu hiệu phát triển điện ảnh hay không, nhưng nhìn vào các bảng xếp hạng phim độc lập có thể thấy những tranh cãi về “Đất rừng phương Nam” đã và đang giúp cho bộ phim đem lại doanh thu. Vào sáng 1/11, thống kê trên Box Office Vietnam cho thấy “Đất rừng phương Nam” đã đạt gần 127 tỷ đồng.

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan phê bình phim đúng nghĩa, giúp khán giả biết đâu là đúng và đâu là sai.

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan phê bình phim đúng nghĩa, giúp khán giả biết đâu là đúng và đâu là sai.

Cần có một cơ quan phê bình phim đúng nghĩa

Song song với những tranh cãi xung quanh “Đất rừng phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng, bộ phim “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng gặp không ít sóng gió khi “1.000 khán giả xem là 1.000 cách cắt nghĩa và hiểu khác nhau”.

Tuy nhiên, đạo diễn “Thành phố ngủ gật” cho rằng, đó là một hạnh phúc của người làm phim vì không dễ dàng để khán giả tranh luận. Giống như bức tranh, người xem có thể thấy nhiều điều ẩn đằng sau thì một bộ phim cũng thế, nếu chỉ khiến khán giả có một cách hiểu thì coi như thất bại.

“Sự yêu ghét phải thành thật, nếu khán giả còn khen chê nghĩa là phim vẫn được quan tâm. Nếu họ không nói gì nữa nghĩa là mình tuyệt vọng. Nhưng cũng có nhiều cây viết năng lực có hạn luôn mang suy nghĩ hậm hực với những người làm phim, họ viết với tinh thần để phá và đố kị”, đạo diễn Lương Đình Dũng thẳng thắn.

Xoay quanh câu hỏi việc tranh cãi, tranh luận về một bộ phim có phải dấu hiệu của sự phát triển điện ảnh hay không? Ông Dũng cho rằng, tranh cãi lộn xộn như hiện nay là một nguy cơ nguy hiểm cho điện ảnh Việt Nam chứ không hẳn là dấu hiệu phát triển. Những người không có chuyên môn cũng nhảy vào tranh cãi bừa bãi gây ảnh hưởng đến kinh tế của các nhà sản xuất.

“Với tôi việc tranh cãi này giống như một cái “chợ” hơn là tranh luận nghiêm túc để phát triển. Chúng ta cũng chẳng có cơ quan chuyên môn về phê bình chuyên trách thể hiện tính nghiêm túc định hướng điện ảnh Việt phát triển, thậm chí xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh từ truyền thông.

Nhiều người nói đùa “phim chất lượng đồng nát” nhưng chiếm hết suất chiếu và chi phí vài chục tỷ vào truyền thông thì điện ảnh Việt Nam được gì? Xin trả lời là không được gì cả”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan phê bình phim đúng nghĩa, giúp khán giả biết đâu là đúng và đâu là sai thì điện ảnh mới có cơ hội phát triển cách lành mạnh và vươn ra được thế giới.

Nếu cứ để tình trạng “mạnh ai nấy được”, “mạnh ai nấy nói” thì không chỉ khiến cho người làm phim bị tổn thương, mà ngay cả bộ phim dù được đầu tư kinh phí lớn, chăm chút kỹ lưỡng cũng dễ bị “chết yểu” chứ nói gì đến việc xuất khẩu phim ra nước ngoài, cạnh tranh với thế giới.

Quay trở lại với “Đất rừng phương Nam”, dù vướng nhiều tranh cãi gay gắt nhưng vẫn là một trong 16 phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức từ ngày 21 - 25/11 tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong cuộc họp báo mới đây, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL khẳng định liên hoan phim là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia nhằm tôn vinh các tác phẩm điện ảnh và các nghệ sĩ.

Việc phim “Đất rừng phương Nam” là một trong 16 phim truyện điện ảnh tranh giải dù gây nhiều tranh cãi, theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh thì kết quả của liên hoan phim phụ thuộc vào sự đánh giá của ban giám khảo. Sự đánh giá của khán giả sẽ được ghi nhận tại giải “Phim được yêu thích nhất” cho phim truyện điện ảnh tham dự chương trình phim toàn cảnh.

Nhìn từ góc độ nhà làm phim, ông Lương Đình Dũng cho rằng, “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dự Liên hoan Phim Việt Nam dù đang vướng tranh cãi – là điều bình thường. Bởi việc tham dự liên hoan phim chính là sự ủng hộ lễ hội điện ảnh nước nhà. Việc được giải hay không cũng không thay đổi được gì nhiều cho đạo diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.