Việc Chính phủ Anh trao lại cho Mauritius chủ quyền đối với quần đảo Chagos (ở giữa Ấn Độ Dương) gây bất ngờ cho dù hai bên đã đàm phán về thoả thuận trao trả này suốt hai năm liền.
Anh chiếm giữ quần đảo này từ khi Mauritius trở thành quốc gia độc lập hồi năm 1968 và kiên quyết không chịu trả lại bất chấp việc bị đòi và thế giới phản đối mạnh mẽ. Phía Anh luôn ngoan cố đến vậy trong chuyện này vì trả lại quần đảo Chagos cho Mauritius là sự công nhận đã chiếm giữ trái phép nó suốt nhiều thập kỷ qua, tức là vi phạm luật pháp quốc tế và là một bằng chứng về sự sa sút ảnh hưởng, vị thế của nước Anh trên thế giới.
Nhưng nếu nhìn sâu xa hơn vào thực chất của vụ việc thì việc “trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar” này là kết quả của sự thức tỉnh nhận thức còn kịp thời ở phía Anh bởi chỉ như thế mới có thể tránh khỏi bị lợi bất cập hại với quần đảo Chagos.
Quần đảo này có hơn 60 hòn đảo. Thực dân Pháp chiếm giữ Mauritius cùng với quần đảo Chagos vào năm 1715. Một thế kỷ sau, thực dân Anh xâm lấn dần những thuộc địa của Pháp ở châu Phi, trong đó có Mauritius. Năm 1968, chính quyền Anh buộc phải trao trả độc lập cho Mauritius, nhưng vẫn chiếm giữ quần đảo Chagos.
Năm 1966, tức là 3 năm trước khi buộc phải trao trả độc lập cho Mauritius, chính quyền Anh để cho Mỹ thuê đảo Diego Garcia trong quần đảo làm căn cứ quân sự. Anh và Mỹ dùng biện pháp cưỡng bức đẩy tất cả người bản xứ ra khỏi quần đảo và biến nó thành một căn cứ quân sự khổng lồ ở giữa Ấn Độ Dương.
Căn cứ quân sự này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về quân sự, an ninh và địa chiến lược đối với Mỹ và Anh. Anh luôn coi quần đảo là báu vật như mỏm lãnh thổ Gibraltar ở châu Âu hay quần đảo Malvinas ở ngoài khơi bờ biển Argentina (mà phía Anh gọi là quần đảo Falkland).
Bây giờ, phía Anh trao trả cho Mauritius chủ quyền hoàn toàn đối với quần đảo Chagos vì ba lý do.
Thứ nhất, Anh bị dư luận quốc tế phê phán mạnh mẽ về việc đã cưỡng bức người dân bản xứ phải rời bỏ quần đảo, vì cả Toà án công lý của Liên Hợp Quốc hồi năm 2018 và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi năm 2019 đều ra nghị quyết bác bỏ mọi biện luận của Anh về chủ quyền đối với quần đảo, yêu cầu Anh phải giao trả lại quần đảo cho Mauritius. Như thế có nghĩa là nếu cứ tiếp tục chiếm giữ quần đảo, phía Anh tự thể hiện là cố tình tiếp tục bất chấp và vi phạm luật pháp quốc tế.
Lý do thứ hai là từ sau khi ra khỏi EU, nước Anh nỗ lực gây dựng và tăng cường vai trò, ảnh hưởng và vị thế trên thế giới. Nếu cứ tiếp tục bị thế giới nhìn nhận là cố tình bất chấp và vi phạm luật pháp quốc tế thì làm sao có thể đạt được mục tiêu trên. Cái lợi bất cập cái hại thì bỏ của chạy lấy người mới là thượng sách và thực dụng về lợi ích quốc gia.
Thứ ba, Anh tuy buông bỏ quần đảo nhưng thoả thuận với Chính phủ Mauritius vừa được ký kết có điều kiện là để cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia thêm 99 năm.
Anh và Mỹ là đồng minh chiến lược truyền thống của nhau, có mối quan hệ song phương đặc biệt, vì thế qua Mỹ vẫn có thể tiếp tục sử dụng nơi này làm căn cứ quân sự chiến lược như trước, vẫn duy trì được con chủ bài ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và ở châu Phi.