Tranh chấp quanh quần đảo Kuril: Cơ hội nào cho hợp tác Nga - Nhật?

GD&TĐ - Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Nga sẽ có cuộc hội đàm về quần đảo Kuril, một trong những tranh chấp quốc tế chưa được giải quyết lâu nhất trên thế giới.  

Người biểu tình ở Moscow yêu cầu chính phủ ngừng đàm phán về tình trạng của quần đảo Kuril
Người biểu tình ở Moscow yêu cầu chính phủ ngừng đàm phán về tình trạng của quần đảo Kuril

Cuộc tranh chấp hơn 7 thập kỷ

Quần đảo Kuril, được gọi là Nam Kurils của Nga và lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản, đã được Liên Xô kiểm soát sau khi Nhật Bản đầu hàng Lực lượng Đồng minh vào năm 1945. Sự bất đồng về việc ai là người có quyền sở hữu hợp pháp đối với các đảo này đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ, một trong những lý do góp phần ngăn cản hai nước tiếp tục ký hiệp ước hòa bình trong Thế chiến II.

Lãnh thổ tranh chấp này nằm ngoài khơi đảo Hokkaido của Nhật Bản, bao gồm bốn hòn đảo riêng biệt: Iturup, được biết đến trong tiếng Nhật là Etorofu, Kunashir, hoặc Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai. Hai chính phủ đang thúc đẩy một hiệp ước được ký kết dựa trên tuyên bố năm 1956, thừa nhận việc chấm dứt chiến sự trong Thế chiến II, nhưng không đưa ra các điều khoản cho một thỏa thuận hòa bình chính thức.

Truyền thông Nhật Bản tuyên bố rằng, các điều khoản của hiệp định năm 1956 sẽ trao trả Shikotan và quần đảo Habomai cho Nhật Bản. Đối với nội bộ nước Nga, đây là một quan niệm nhạy cảm, bởi việc nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào cho Nhật Bản chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.

“Cờ Nga đã cắm ở đâu thì sẽ mãi ở đó”

Tranh chấp lãnh thổ đã được nêu ra trước chuyến đi của Thủ tướng Shinzo Abe tới Moscow trong tuần này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, ông Serge Lavrov, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, không đánh giá cao cơ hội chuỗi đảo có thể trở lại Nhật Bản. Theo truyền thông nhà nước Nga, khi Lavrov và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gặp nhau tuần trước tại Moscow, Ngoại trưởng Nga đã nói với người đồng cấp Nhật Bản rằng “chủ quyền đối với các đảo là không thể thương lượng”. Ông cũng khẳng định rằng: “Đây là lãnh thổ của Nga”.

Cuối tuần qua, một số người theo chủ nghĩa dân tộc Nga đã đổ ra đường phố Moscow và yêu cầu chính phủ giữ vững quan điểm về vấn đề này. Họ hô vang “Quần đảo Kurils là đất Nga!”. Igor Skurlatov, một diễn giả tại cuộc biểu tình, gọi bất kỳ đề nghị nào nhằm trao trả lãnh thổ về Nhật Bản là “hành động phản quốc”.

Sự căng thẳng xuất hiện sau sự thất vọng của Nga về những tuyên bố gần đây của Tokyo về tình trạng của nhóm đảo, trong đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono nói rằng, ông hy vọng năm 2019 sẽ là một “bước ngoặt” để xác định tình trạng pháp lý thực sự của hòn đảo. Cuộc gặp của ông Lavrov và Kono đã đánh dấu lần đầu tiên hai người gặp nhau kể từ khi được lãnh đạo hai nước bổ nhiệm để giám sát các cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết hiệp ước hòa bình.

Ông Lavrov gọi vấn đề sở hữu của hòn đảo là “kết quả” của Thế chiến II và cho rằng dù có “sự khác biệt đáng kể” giữa quan điểm của hai quốc gia, nhưng ông vẫn mời gọi sự hợp tác chung trên các đảo – vùng lãnh thổ có nguồn tài nguyên đánh cá phong phú. Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng thúc giục hợp tác chung.

Trước cuộc gặp song phương của hai nhà lãnh đạo, chủ đề này đã gây ra nhiều tranh cãi ở Nga. Tại Duma, Quốc hội Nga, lãnh đạo phe Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovskii phát biểu: Nếu Nhật Bản muốn phát triển quan hệ song phương, họ nên trục xuất các lực lượng Mỹ ra khỏi lãnh thổ của mình và ký kết hiệp ước hòa bình với Nga; tuy nhiên, ông lớn tiếng bác bỏ ý tưởng bàn giao quần đảo Kurils cho Nhật. “Cờ Nga đã treo ở đâu, thì nó sẽ luôn ở đó”, ông khẳng định. “Sau đó, chúng ta mới có thể tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung. Hãy xem xét các giá trị của hải quân Nhật Bản, hải quân Nga; có thể chúng ta sẽ cho quân đổ bộ xuống một trong những hòn đảo của Nhật Bản, để cho họ thấy người của ta đổ bộ thành công trên đất Nhật Bản”, Zhirinovskii đề nghị.

Trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định: Các đảo này “là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản, chưa từng bị nước ngoài chiếm giữ. Tuy nhiên, lãnh thổ phía Bắc này đã bị Liên Xô, và sau đó là nước Nga chiếm đóng bất hợp pháp, kể từ năm 1945”. Cũng theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản “đã tiếp tục đàm phán với Nga dựa trên chính sách cơ bản của mình là giải quyết vấn đề quy kết bốn hòn đảo phía Bắc và ký kết hiệp ước hòa bình với Nga”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ