Tranh cãi về giải pháp cứu sông Tô Lịch: Nghiên cứu kỹ, tránh phụ thuộc công nghệ

GD&TĐ - Chuyên gia Nhật Bản khẳng định công nghệ Nano Bioreactor là tối ưu để cứu sông Tô Lịch. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, công nghệ này không phù hợp. Hà Nội sẽ chọn phương án khác.

Để cứu sống những dòng sông “chết” giữa lòng Hà Nội thì cần hành động nhiều hơn lời nói
Để cứu sống những dòng sông “chết” giữa lòng Hà Nội thì cần hành động nhiều hơn lời nói

Hà Nội không phải nơi để làm… trò đùa

Chiều 6/12, trả lời cử tri về việc ứng xử ra sao trước những vấn đề phát sinh xung quanh cuộc thí điểm xử lý nước thải sông Tô Lịch của tổ chức Nhật Bản, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có phát biểu: “Hôm nay các bác vẫn cứ băn khoăn chỗ các chuyên gia Nhật sử dụng công nghệ nano tại sông Tô Lịch, tôi xin nói rõ thế này. Sau một thời gian họ xin thử nghiệm, đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép TP mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch”.

“TP này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế”, ông Nguyễn Đức Chung nói sau khi đọc xong thông báo.

“Tôi dù không phải chuyên ngành về lĩnh vực này, nhưng dám khẳng định không có một công nghệ nào không thu gom đưa vào nhà máy xử lý mà xử lý được 180.000m3 nước thải xả vào sông Tô Lịch”, ông Chung nói với cử tri.

Đầu tư miễn phí rồi.. cho thuê

Sáng 7/12, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) đã có thông cáo báo chí thể hiện quan điểm: “Tổ chức JEBO Nhật Bản thấy buồn vì ngài Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép thành phố”.

JEBO phản bác thông tin sai sự thật nêu trên và khẳng định có đầy đủ tài liệu chứng minh đã được thành phố Hà Nội cho phép bằng văn bản thí điểm tại sông Tô Lịch.

JEBO cũng thông báo đã tìm ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch. Theo đó, giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả thải ra sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Việc thực hiện như sau: Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24 giờ), rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN, là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch. Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Giải pháp này sẽ bảo đảm nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ bởi bể ngầm dưới đất, bằng hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 1 tạo ra, nước đạt QCVN rồi mới chảy vào sông Tô Lịch. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn.

Đơn vị sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây. Nếu thành công, đơn vị sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho TP quản lý, vận hành.

Thu gom nước ngầm, xử lý tại chỗ

Trước đó, ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết vừa qua chính quyền Thủ đô đã nghiên cứu ba phương án làm sạch sông Tô Lịch. Đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải.

Phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải. Phương án của Công ty Việt Nhật, dùng công nghệ Nano-Bioreactor nhưng thất bại. Phương án cuối là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về Nhà máy Nước thải Yên Xá để xử lý.

Theo tiến độ, việc xây dựng hệ thống cống thu gom hoàn thành vào năm 2020, nhưng đang chậm tiến độ; dự kiến năm 2021 hệ thống thu gom này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi cho rằng, vấn đề của sông Tô Lịch là phải xử lý được nước thải. Tuy nhiên, việc thu gom như vậy lại chưa ổn ở chỗ lấy nguồn nước nào để bổ cập cho sông Tô Lịch sau khi đã thu gom hết nước thải.

Chắc chắn không thể thiết kế vòng tuần hoàn nước sau khi xử lý lại chảy về thượng nguồn vì đặc điểm sông Tô Lịch là độ dốc cao, kéo dài trong đô thị. Vậy nguồn nước để sông Tô Lịch được gọi là sông theo đúng nghĩa lấy ở đâu?

“Nếu xây dựng các trạm bơm nước ở sông Hồng vào thì không ổn vì mực nước sông Hồng hiện rất thấp, dòng chảy không ổn định, trong khi hạ du sông Hồng thì nhu cầu về nước tưới tiêu, hoa màu lại rất lớn.

Càng không thể trông chờ xả nước từ hồ Tây ra vì nước ở đây chỉ nhiều khi có mưa lớn kéo dài, thi thoảng mới xả nước. Chờ nguồn nước bổ cập tự nhiên từ mưa thì lại càng không, vì lượng mưa rất thấp. Mà một dòng sông thì không thể lúc có nước, lúc lại khô cạn”, GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, đối với vấn đề ô nhiễm nước thải, các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã được quy hoạch.

Mặc dù vậy, trong đô thị và vùng ven đô vẫn có các điểm xả thải phân tán, không đấu nối tập trung được thì phải lắp đặt hệ thống xử lý tại chỗ, hoặc xây các trạm xử lý nước thải quy mô vừa và nhỏ. Nước sạch sau xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường thì bổ cập vào sông, hồ nội thành.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, với 280 họng nước thải đang đổ ra sông Tô Lịch hiện nay, cách tốt nhất là xây dựng các trạm xử lý nước thải tại chỗ. Theo đó tại các họng nước này, tổ chức quây tôn hoặc xây lại để xử lý bằng đất hiếm hoặc công nghệ phù hợp.

Nước sau xử lý đưa ngay ra sông Tô Lịch. Như thế vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm lại vừa duy trì được dòng chảy, không tốn kém quá nhiều kinh phí cũng như thời gian xử lý. Việc nạo vét sông, xây dựng các khu xử lý tại chỗ hoàn toàn có thể làm được bằng công nghệ trong nước.

Tránh bị lệ thuộc công nghệ
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nhận định, để giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch, hồ Tây cũng như các sông, hồ khác ở TP Hà Nội là không khó. Nhưng cần có quyết tâm và đầu tư phải có kế hoạch bài bản, đồng bộ. Việc Nhật Bản nói hỗ trợ 100% kinh phí, sau đó cho thuê, cũng cần được tính toán kỹ càng. Tránh bị lệ thuộc vào công nghệ, trong khi chúng ta cũng có giải pháp công nghệ trong tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ