Trang viên Hoa hướng dương của những "thiên thần nhỏ"

GD&TĐ - Suốt 3 năm qua, anh Nguyễn Khánh Dương cùng với chị Lê Thị Kim Ánh như một người cha, người mẹ đỡ đầu, đã bỏ ra thời gian và công sức để đem đến cho các thiên thần vô tội với số kiếp ngắn ngủi một nơi yên nghỉ. 

Trang viên Hoa hướng dương được anh Dương, chị Ánh cùng các sư thầy xây dựng nên.
Trang viên Hoa hướng dương được anh Dương, chị Ánh cùng các sư thầy xây dựng nên.

Ngôi nhà nhỏ của những “thiên thần”

Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi đến nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng – nơi có những dãy mộ san sát nhau, cùng những tấm bia khắc dòng chữ “vô danh”.

Đây là khu an táng với hàng trăm ngôi mộ của những hài nhi đáng thương được nhóm thiện nguyện tại TP Đà Nẵng chung tay tìm kiếm, cất bốc từ các nơi mà những người mẹ trẻ lầm lỡ phá thai rồi vùi lấp vội vàng đâu đó. Nghĩa trang này do chính anh Dương và chị Kim Ánh cùng sư thầy lập nên.

Anh Dương tâm sự, ở các bệnh viện, phòng khám có những em bé chào đời trong niềm hạnh phúc của cha mẹ, nhưng cũng có những thai nhi bị chối bỏ. “Khi không ai nhận về, các con trở thành những linh hồn không nhà. Tôi đưa các con về đây, ở cạnh nhau để không còn cảnh lạnh lẽo nữa. Ở đây, các con như một gia đình và sẽ được bảo bọc, sưởi ấm…”, anh Dương mở đầu câu chuyện.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm những ngôi mộ vô danh, anh Dương cho hay, ban đầu anh chỉ đi theo và phụ giúp thầy Thích Pháp Minh (chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn) để tìm kiếm hài nhi xấu số rồi an táng. Dần dần anh bắt đầu “dạn” tay rồi tự tay mình tẩm liệm, cất bốc những sinh linh ấy.

“Ban đầu, tôi vừa lo và vừa sợ lắm, nhưng vì tình thương các con bị thiệt thòi, không được sinh ra, bị ba mẹ ruồng bỏ. Tôi cũng có con nên tôi cảm thấy thương cho những số phận như vậy.

Nếu bây giờ mình không làm thì chẳng có ai làm cho các con cả. Chính vì thế, tôi quyết định tự đóng góp cùng thầy rồi mua đất làm nhà cho các con. Đây như là cái duyên của tôi gặp các con”, anh Dương tâm sự.

Tuy nhiên, để làm được những điều này thì phải có một khu đất để xây mộ. Nguồn tiền hạn chế, anh đành đem tâm nguyện của mình để kể với những người bạn. May mắn thay, anh gặp chị Lê Thị Kim Ánh (trú quận Ngũ Hành Sơn). Anh cùng chị Ánh gom góp số tiền của mình rồi lên nghĩa trang Hòa Sơn để mua đất.

Mất vài tháng xây dựng nghĩa trang, anh Dương đặt tên khu đất là Trang viên Hoa hướng dương. Có được khu đất, anh Dương và chị Ánh phải mất thêm vài tháng nữa để đi tìm kiếm, bốc cất những hài nhi vô tội trở về khu đất mà anh chị đã mua để xây mộ cho các “thiên thần nhỏ”.

Thời gian đầu, anh Dương và chị Ánh cùng sư thầy Thích Pháp Minh gần như ngày nào cũng lui tới dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành, khu vực trước chùa Linh Ứng, đèo Hải Vân để tìm kiếm những thai nhi bị bỏ rơi đem về tẩm liệm và chôn cất.

“Sau đó, tôi lại để số điện thoại trên mạng xã hội và thông tin về những việc mình làm. Dần dần mọi người hiểu được tâm niệm của chúng tôi, thấy chúng tôi có nơi để chôn cất các con và không kêu gọi kinh phí gì, nên mọi người giới thiệu hoặc chỉ chỗ chôn cất các em để chúng tôi đến tìm mang các em về”, anh Dương tâm sự.

Kể từ đó, mỗi ngày anh Dương cùng chị Ánh đều sắp xếp công việc của mình rồi cứ lặng lẽ mang ba lô đi tìm kiếm các hài nhi xấu số để về chôn cất. 

Dang rộng vòng tay đón người lầm lỡ

Sư thầy Thích Pháp Minh đang chăm sóc những ngôi nhà của các “thiên thần nhỏ”.
Sư thầy Thích Pháp Minh đang chăm sóc những ngôi nhà của các “thiên thần nhỏ”.

Dạo một vòng Trang viên Hoa hướng dương của những “thiên thần nhỏ”, chúng tôi nhận thấy, những ngôi nhà cho các hài nhi được xây dựng khá đẹp. Mỗi ngày, “đều như vắt chanh” anh Dương, chị Ánh cùng sư thầy đều đến ở nghĩa trang để thắp hương chăm sóc mộ cho các em.

Mỗi lần đến, anh mang những món như: Sữa, bánh trái, đồ chơi… để đặt lên những ngôi mộ. Phía trên khu đất cao ở nghĩa trang, anh lập bàn thờ lớn tạc tượng Phật vừa để nhang khói vừa để khách đến thăm có thể đặt lên đó ít đồ chơi, sữa bánh… cho các em đỡ buồn.

Cũng chính nơi đây, không ít lần anh chứng kiến cha mẹ của những đứa trẻ xấu số đến gục khóc bên nấm mộ. Gục khóc bởi vì những đứa con vô tội của họ vì một lý do nào đó đã không thể tồn tại trên cõi đời này.

Nói về Trang viên Hoa hướng dương, sư thầy Thích Pháp Minh tâm sự rằng: “Trang viên được xây dựng với mong muốn các con được hướng đến Mặt trời, với ý nghĩa các con không có duyên ở kiếp này, mong các con sẽ đầu thai ở kiếp sau, với một tương lai xán lạn hơn”.

Không chỉ là xây dựng Trang viên Hoa hướng dương cho những đứa trẻ xấu số, anh Dương, chị Ánh còn mở nhà trọ miễn phí, nuôi dưỡng những phụ nữ có thai ngoài ý muốn. “Riêng với những trường hợp có thai ngoài ý muốn, không có khả năng nuôi dưỡng, chúng tôi sẽ hỗ trợ chi phí nằm viện. Đến khi mẹ đi sinh, chúng tôi sẽ lo toan mọi việc như chính những người thân trong gia đình.

Sở dĩ chúng tôi làm như vậy bởi chúng tôi vui khi cứu sống được những cháu từ trong bụng mẹ. Chúng tôi muốn người cha, người mẹ thấy được trách nhiệm của mình. Chúng tôi không muốn phải chứng kiến thêm một trường hợp nào bị bỏ rơi khi chưa cất tiếng khóc chào đời”, anh Dương bộc bạch.

Trời bắt đầu tắt nắng, anh Dương cùng các sư thầy sau khi lau chùi các nấm mộ cho các em, lặng lẽ đi thắp từng nén hương cho các con trước khi trở về nhà. Còn tôi, sau một hồi ở trong khu nghĩa trang Hòa Sơn đầy ắp những ngôi mộ “vô danh”, tôi thấy những con người nhỏ bé ấy cứ khuất dần, khuất dần trong bóng hoàng hôn buông xuống cuối ngày.

Trong đầu tôi cứ văng vẳng câu nói của sư thầy Thích Pháp Minh rằng: “Mong cho những đứa trẻ trên cõi đời được sinh ra đàng hoàng, được sống tốt trên cuộc đời này…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.