Trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho HS

GD&TĐ - Trong thời gian qua, các đơn vị trường học trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam đã chủ động triển khai các hoạt động giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích, rủi ro do thiên tai gây ra cho HS. 

Trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho HS

Bằng nhiều hình thức giáo dục khác nhau, các trường đã giúp HS nắm những kiến thức cơ bản về tai nạn thương tích và ngăn ngừa phòng chống một số tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Để tự cứu mình và giúp đỡ người gặp nạn

Có mặt tại một buổi học ngoại khóa trang bị kỹ năng sơ cấp cứu và thoát hiểm cho HS tại Trường TH Hoàng Văn Thụ và TH Phan Thanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), chúng tôi thấy sự tham gia của HS, giáo viên hết sức hào hứng. Hoạt động không chỉ thu hút HS, giáo viên trong trường tham dự, mà còn có cả HS, phụ huynh các trường học trên địa bàn.

Tham gia chương trình HS, phụ huynh, giáo viên được cung cấp các thông tin, kỹ năng sơ cấp cứu và thoát hiểm trong các tình huống xảy ra sự cố nguy hiểm như: Hỏa hoạn, tai nạn giao thông, đuối nước, điện giật, bỏng… Cùng các kỹ thuật định vị nạn nhân, cầm máu, hô hấp nhân tạo, băng bó vết thương, bong gân, gãy xương, cầm máu, hóc thức ăn - dị vật, đột quỵ…

Ngoài việc tích hợp, lồng ghép dạy các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho HS, các trường còn kết hợp với các đơn vị chuyên môn trong các lĩnh vực tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các hoạt động diễn tập, hội thao nhằm trang bị kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn thương tích thường xảy ra. Ví dụ như Trường TH Kim Đồng, Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa phòng chống tai nạn thương tích cho toàn thể HS nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Bền - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ) chia sẻ: Ngoài việc dạy và học, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho HS để giúp các em có thể xử lý các tình huống trong quá trình giao tiếp với bạn bè, thầy cô trong nhà trường, cũng như giúp các em có các kỹ năng để giải quyết những xung đột ngoài xã hội.

Những nội dung chính mà chúng tôi trang bị kỹ năng sống cho HS là: ứng phó với bão lụt, hỏa hoạn, an toàn giao thông… thông qua các hoạt động đa dạng như: Thuyết trình trong các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa, phong trào thi đua, các tiết học ngoài giờ lên lớp và tích hợp trong các môn học của nhà trường.

Mở rộng GD kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích

Chương trình diễn tập Phòng cháy, chữa cháy do Phòng GD&ĐT Tam Kỳ phối hợp với Phòng Cảnh sát Công an phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh Quảng Nam) được đội ngũ cán bộ, giáo viên, HS trên địa bàn hưởng ứng mạnh mẽ.

Các sinh hoạt chuyên đề “Giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong trường học” với sự tham gia cán bộ, giáo viên của 24 trường TH và THCS trong toàn ngành, với những nội dung hết sức bổ ích, thiết thực như: “Nguyên nhân, sức tàn phá của bão lụt và cách phòng chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do bão lụt gây ra”; “Nguyên nhân, mối nguy hại do cháy gây ra và những kỹ năng để dập đám cháy bằng cát, nước và bình CO2”…

Theo thầy Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT Tam Kỳ, đây là một trong những buổi sinh hoạt chuyên đề về nội dung giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành có quy mô lớn nhất. Những nội dung được trao đổi, chia sẻ cũng hết sức bổ ích, có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp các em HS có thêm những kiến thức mới về phòng ngừa thảm họa rủi ro do thiên tai gây ra.

Đặc biệt trong 2 năm qua, thông qua dự án “Nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trường học và cộng đồng các huyện ven biển tỉnh Quảng Nam” do tổ chức SEEDS ASIA (Nhật Bản) tài trợ, các học sinh ở các địa phương ven biển Quảng Nam (Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành) được Sở GD&ĐT hướng dẫn triển khai một cách hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho HS, giáo viên.

Bên cạnh việc trang bị những kiến thức cơ bản về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và cách phòng tránh, các em HS và phụ huynh nhà trường còn được giáo viên lồng ghép giảng dạy các tình huống bão lũ xảy ra thực tế trên địa bàn để xây dựng phương án phòng tránh phù hợp.

Qua 2 năm triển khai, chương trình đã tổ chức giảng dạy gần 340 tiết học về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho HS THCS, tập huấn nhân rộng cho hơn 650 cán bộ, quản lý và giáo viên của 218 trường tại các địa phương ven biển. Với những hiệu quả mang lại và sự đồng tình hưởng ứng từ đội ngũ cán bộ, giáo viên, từ năm học 2015 - 2016, ngành GD&ĐT Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch đưa giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào giảng dạy vào cho 2 cấp học (TH và THCS).

Theo cô Trần Thị Nguyệt – Phó Hiệu Trưởng Trường TH Kim Đồng (Tam Kỳ - Quảng Nam), tai nạn thương tích rất dễ xảy ra đối với HS; vì ở lứa tuổi các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Bởi vậy, công tác trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích đối với các em khi đang ngồi trên ghế nhà trường là hết sức cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.