Báo động về việc nhiều trẻ bị xâm hại
Tâm sự mới đây của một cô gái kể về việc 12 năm bị lạm dụng tình dục và kéo theo những hậu quả đau lòng khiến độc giả không khỏi xót xa. Ngày N chào đời cũng là ngày ba em chết trong tù. Người mẹ trẻ đã gửi N cho nhà ngoại và đi làm ăn xa. Cô bé lớn lên trong sự ghẻ lạnh và đòn roi. Năm N lên tám tuổi, đột nhiên có một người đàn ông lạ tìm đến nhà ngoại. Ông xưng là ông nội của N. Theo tâm nguyện của đứa con trai, ông sẽ đón cháu về nuôi. Và bắt đầu từ đây, N đã trở thành nạn nhân thú vui bệnh hoạn của người đàn ông lớn tuổi. Cho tới khi 20 tuổi, cô gái mới nhận ra nỗi đau đớn của cuộc đời mình và phản kháng lại con người bỉ ổi đó thì cô bị đuổi ra khỏi nhà…
Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em, độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Đáng nói hơn, 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình. Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục liên tục gia tăng với mức độ ngày càng phức tạp. Nếu trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13 - 18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5 - 13 tuổi. Số liệu thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Có một điểm chung ở những vụ án dâm ô trẻ em là đối tượng xâm hại tình dục thường là những người quen biết với gia đình nạn nhân, thậm chí là bạn thân với cha mẹ các em. Những kẻ này lợi dụng sự non nớt, ngây thơ của trẻ con và sự chủ quan của người lớn để làm điều xằng bậy. Ở nhiều vụ án, kẻ phạm tội còn khai rằng, bình thường vẫn coi các em là con cháu trong nhà, nhưng khi có chút hơi men lại không làm chủ được bản thân. Trong khi đó, cha mẹ của các nạn nhân cũng đã chủ quan khi tin cậy “giao trứng cho ác”.
Cần trang bị các kỹ năng cho trẻ
Để bảo vệ các em nhất là đối với những bé gái thì những chương trình giáo dục cộng đồng cần có những nội dung thiết thực và gần gũi với các em nhỏ hơn nữa. Việc dạy cho trẻ các kiến thức về giới tính và các kỹ năng tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của những người xung quanh là điều mà bố mẹ, nhà trường và xã hội không thể coi nhẹ.
Tại Hà Nội, từ 2 năm nay (2015 - 2016), tại 13 trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, 2.546 em học sinh của 56 lớp khối lớp 5 đã được giảng dạy về chăm sóc vệ sinh cơ thể, phòng chống xâm hại/lạm dụng trẻ em.
Theo thạc sĩ Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Mục tiêu của chương trình là đưa tới các học sinh kiến thức cơ bản nhất về chăm sóc, vệ sinh, bảo vệ cơ thể, dấu hiệu bình thường - bất thường trong quá trình phát triển và cung cấp kỹ năng phòng, chống, xử lý trước nguy cơ bị xâm hại tình dục. Chương trình mong muốn sẽ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhà trường và gia đình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa và giảm thiểu số trường hợp xâm hại, lạm dụng trẻ em. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của gia đình và người thân về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh lớp 5 như cách ứng xử, thực hành đúng đắn trước các vấn đề về sức khỏe sinh sản trước tuổi dậy thì, tâm sinh lý lứa tuổi này.
“Để tránh việc trẻ em bị xâm hại, gia đình cần phải kết hợp chặt chẽ với nhà trường quan tâm, giáo dục trẻ, giúp các em nhận biết những hành vi như thế nào được gọi là xâm hại tình dục. Để từ đó trang bị cho các em các biện pháp đề phòng, đối phó với những tình huống xấu xung quanh mình. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm hơn tạo môi trường sống lành mạnh để bảo vệ con cái”.
ThS Trương Thị Kim Hoa