Trân trọng bài học quá khứ

Trân trọng bài học quá khứ
 
v
Thảo luận theo nhóm

(GD&TĐ) - Trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, những năm qua ngành GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực, đó là triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN), phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, dạy Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục…

Có thể nói đây là những chương trình được triển khai thí điểm trên diện rộng để từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện và hướng tới triển khai đại trà.

Tuy nhiên có một kênh tham khảo cho đổi mới GD chưa được phát huy đúng mức, đó là vận dụng phát huy những điển hình GD thành công trong quá khứ để từ đó nhân rộng.

Nghiên cứu mô hình giáo dục Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) để rút ra bài học kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt trong thời kì mới – đã được Bộ GD&ĐT coi trọng trong công cuộc đổi mới GD phổ thông hiện nay.

Nổi lên là điểm sáng GD miền Bắc XHCN từ đầu những năm 1960, GD Bắc Lý đã hội tụ nhiều ưu việt trong đó đáng chú ý nhất là sự vào cuộc chăm lo GD của toàn xã hội. Xã hội hóa tại Bắc Lý được thể hiện một cách tự nhiên và nhuần nhuyễn nhất.

Vài thập kỉ trở lại đây, khi kinh tế thị trường tác động tới nhiều mặt cả tốt và xấu của xã hội, thì mô hình GD Bắc Lý dường như bị quên lãng. Ít có những nghiên cứu mang tính khoa học về sự thay đổi của GD Bắc Lý trong thời kì mới. Tuy nhiên Bắc Lý vẫn lặng lẽ kiên trì với mô hình xã hội hóa GD của mình, mày mò thay đổi cho thích nghi với tình hình mới. 

Trước đây các hợp tác xã tổ chức cho học sinh tham gia một số khâu trong sản xuất hợp tác xã. Giờ đây hợp tác xã tổ chức cho các em nắm bắt một số khâu dịch vụ kĩ thuật và diệt trừ sâu bệnh, phổ biến và áp dụng kĩ thuật mới về giống cây, con, công tác thú y, phòng dịch, tham gia hướng nghiệp, giới thiệu về cơ sở sản xuất; gia đình giúp học sinh trưởng thành về lao động sản xuất, cho HS tham gia sản xuất cùng người lớn trên đồng ruộng, vườn, ao của gia đình, áp dụng kĩ thuật mới vào sản xuất.

Trước đây các gia đình phát động thực hiện “Ba không” khi con em đang học là: “Không làm ồn, không sai vặt, không lấy đèn”. Hiện nay đèn điện đã thay thế đèn dầu, mỗi gia đình đều có ti vi, các gia đình thực hiện: “Không làm ồn, không sai vặt, không mở ti vi”. 

Trước đây, tiếng kẻng trong thôn báo giờ vào học, giờ kết thúc thời gian học buổi tối. Hiện nay được thay thế bởi ý thức tự giác thực hiện thời gian biểu cho phù hợp yêu cầu từng khối lớp, từng nhóm đối tượng học sinh.

Theo mô hình cũ, hoạt động của Ban GD thôn theo đơn vị thôn xóm là hoạt động mang tính đặc thù, đặc biệt là với Trường THCS Bắc Lý. Thành phần ban GD thôn gồm đại diện: Chi ủy hoặc trưởng thôn, BCH Chi đoàn, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Khuyến học, Chi hội trưởng phụ huynh.

Hoạt động chủ yếu là hỗ trợ GD, phát hiện và phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh, hòa giải mâu thuẫn khúc mắc của học sinh, phụ huynh…

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quan điểm chỉ đạo ghi rõ “Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo”.

Mô hình xã hội hóa GD mà Bắc Lý đang vận hành cho thấy đã giải quyết tốt những bức xúc liên quan tới giáo dục. Những khúc mắc giữa HS với giáo viên, giữa phụ huynh với giáo viên, giữa giáo viên với cán bộ quản lí… đã được giải quyết thấu đáo và kịp thời từ khi mới nảy sinh.

Tuy nhiên, Bắc Lý vẫn đang loay hoay với những vấn đề song hành cùng cơ chế thị trường. Đó là giáo viên chưa thể toàn tâm toàn ý lo việc trường khi mà đồng lương còn chưa đủ trang trải sinh hoạt gia đình; học sinh có tư tưởng bỏ học vì kinh tế gia đình sa sút…

Nghiên cứu tìm hướng giải quyết cho những vướng mắc này cũng chính là hoàn thiện để khôi phục những giá trị đã được khẳng định của điển hình GD trong quá khứ.

Đức Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ