Trần Ly Ly - Nghệ sĩ đa tài

GD&TĐ - NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam tôn vinh là một trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, đại diện ở lĩnh vực truyền thông - sáng tạo. Nghệ sĩ Trần Ly Ly được đào tạo bài bản, là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực ballet và múa đương đại.  

NSUT Trần Ly Ly trong một tiết mục biểu diễn
NSUT Trần Ly Ly trong một tiết mục biểu diễn

Cháy hết mình cho nghệ thuật

Trần Ly Ly học múa chuyên nghiệp từ lúc 10 tuổi. Vốn là con nhà nòi trong một gia đình nghệ thuật, mẹ Ly Ly là diễn viên ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, còn bố cô là một giáo sư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.

Sống trong môi trường làm nghệ thuật từ tấm bé nên Ly Ly sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc và có niềm đam mê đặc biệt với các động tác hình thể.

Sinh năm 1978, sau 8 năm được đào tạo chuyên nghiệp về múa, Ly Ly thi vào Khoa Sáng tác Múa - Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh và giành ngôi vị thủ khoa. Thế nhưng, chưa kịp nhập trường, cô gái 19 tuổi đã sang Australia học múa vì đoạt được học bổng và năm 2003 Ly tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ Queensland.

7 năm học tập và làm việc ở Australia và Pháp, cô gái trẻ lại mang hoài bão lập nghiệp và phát triển nghệ thuật múa về cống hiến trên quê hương, xứ sở.

Ngay từ khi là giảng viên Trường CĐ Múa Việt Nam, gắn bó với múa đương đại và công việc đào tạo nhưng người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới sự sáng tạo để được cháy hết mình với nghệ thuật.

Tự bản thân đặt ra slogan hành động “sáng tạo, nghĩ sâu, làm nhanh” để phấn đấu đạt mục tiêu đưa nhạc giao hưởng, nhạc kịch hay ballet phát triển tốt, có vị trí nhất định trong làng giải trí, Trần Ly Ly cho biết: Xã hội đang “khát” những vở diễn mang tầm vóc nghệ thuật lớn như kịch múa, nhạc kịch. Để đáp ứng thị hiếu đó, VNOB đã lên kế hoạch và khởi động xây dựng những tác phẩm xứng tầm trong năm 2019 như vở ballet Hồ Thiên Nga, vở nhạc kịch opera lớn “Người tạc tượng” và một số chương trình “hỗn hợp” theo phong cách các nhà hát nhạc vũ kịch lớn trên thế giới. 

Nỗ lực phát triển và khai phóng năng lực bản thân, những thành công bắt đầu nở rộ. Năm 2005, cô đoạt giải thưởng về biên đạo với tác phẩm “Đê”.

Năm 2006, cô thành công lớn với vở múa “Một ngày”. “Một ngày” đã được chọn trình diễn tại Những ngày châu Âu tại Việt Nam năm 2007. Không ngừng sáng tạo, Ly Ly lại tiếp tục gây ấn tượng với màn múa lên đồng đầy phấn khích khi nhận biên đạo cho chương trình Đẹp Fashion Show 2007.

“Sống trong hộp” trình diễn năm 2008, “Zen” và “7X” trình làng năm 2012. Cũng trong năm 2012, và 2014, Ly Ly tiếp tục khẳng định tài năng. Hai tác phẩm múa “Cứu bạn” và Thơ nhạc Ballet sau khi trình làng đã giúp cô giành Giải thưởng tài năng trẻ Việt Nam.

Năm 2016, vở múa “Có có không không” lần 2 được nữ nghệ sĩ dồn tâm huyết thể hiện khát vọng được sống là chính mình của những người đồng tính. Một số tác phẩm múa hiện tại đang được trình diễn như “Ionah”, “Làng chài” đã tạo được tiếng vang...

Trong vai trò biên đạo, Ly Ly có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn, được giới chuyên môn trong nước và quốc tế ghi nhận. Bên cạnh sự nghiệp là diễn viên và biên đạo múa, cô còn tham dự nhiều sự kiện văn hóa với tư cách là chuyên gia, cố vấn nghệ thuật, đạo diễn, tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lớn ở Việt Nam.

Công chúng biết đến cái tên Trần Ly Ly nhiều hơn khi trở thành người cầm cân nảy mực trong vai trò giám khảo của các cuộc thi như “Green Dance”, “So You Think You Can Dance“, “Perfect Dance“ and “Passioned Dances”, “Bước nhảy Hoàn vũ”...

Đầu tàu kéo năng lượng, đam mê

Một năm trước, biên đạo múa Trần Ly Lyđã quyết định rời ghế Phó Hiệu trưởng Trường Múa TPHCM để ra Hà Nội đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam mang theo khát vọng phát triển nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật chính thống… và quyết tâm tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho Nhà hát.

Nói về những khó khăn và thách thức trong phát triển của một nhà hát đã có tuổi đời 60 năm, Trần Ly Ly vui vẻ chia sẻ điều mình trăn trở: Thách thức lớn nhất với tôi là xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi cho nhà hát trong giai đoạn mới. Điều này là rất cần thiết trong dài hạn.

Thứ hai là đầu tư cho con người. Mô hình hoạt động của VNOB cần có 3 đoàn: Đoàn Opera, đoàn nhạc giao hưởng và đoàn vũ kịch. Là người có kinh nghiệm về công tác quản lý đào tạo, Ly Ly nhìn thấy ngay khoảng trống về nhân lực thực tài.

“Việc chúng tôi phải làm là thiết kế bằng được các chính sách thiết thực để thu hút nhân tài, từ đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, mang tầm vóc quốc gia và gần gũi với “ngôn ngữ” với quốc tế. Nghệ thuật hàn lâm đang cần được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Việc lựa chọn nguồn nhân lực cho nghệ thuật hàn lâm rất khó khăn vì chế độ đãi ngộ chưa đủ để thu hút nhân tài.

Làm sao khuyến khích người nghệ sĩ sáng tạo, chuyên tâm nhiệt huyết theo đuổi, cống hiến cho nghệ thuật là bài toán khó giải. Cơm, áo, gạo, tiền, buộc họ phải lo kiếm sống “chạy sô”, đi dạy thêm… giữ ngọn lửa nghệ thuật luôn cháy sáng làm sao đây?

Là người luôn sống có mục đích, lại nắm giữ vai trò đầu tàu, tôi phải nghĩ cách tạo cảm hứng và niềm tin cho 160 toa tàu của mình? Người nghệ sĩ ai cũng có cái tôi và có giá trị riêng rất lớn.

Tôi đem cái tâm thiện, ngọn lửa đam mê của mình, sự tin tưởng của mình ra thuyết phục và đặt vào mỗi người. Khi đã tin, yêu và trân trọng nghề nghiệp, danh dự của người nghệ sĩ, chắc chắn cả nhà hát sẽ chuyển động, sẽ làm nên bước phát triển, đột phá” - Ly Ly chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.