Khối sắt nặng hàng chục tấn... chờ sập
Nhiều năm qua, vườn nhà của ông Đinh Ngọc Quế (trú ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ), tồn tại trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của Công ty Cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile - là chủ sở hữu, quản lý, sử dụng công trình) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Do không được bảo trì, bảo dưỡng, những trạm thu phát sóng này đang trở thành mối nguy hiểm “treo” trên đầu người dân. Về mùa mưa bão, những cột sắt cao chọc trời, nặng hàng chục tấn này gây nên mối lo lắng, bất an cho gia đình ông Quế, lẫn những hộ dân lân cận.
Theo ghi nhận, những cột sắt cao vút được đấu nối với hệ thống dây cáp, nhưng dây cáp hiện bị gỉ sét, có sợi bị đứt. Các điểm nối trên thân cột cũng có dấu hiệu bị hư hỏng.
Theo ông Quế, gia đình ông cho Gtel thuê đất để xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động. Sau khi ngừng hoạt động năm 2018, phía công ty chỉ thanh lý hợp đồng, còn lại vẫn nợ tiền thuê đất và phí trông coi trạm BTS từ 2018 đến nay.
“Thời gian qua, tôi đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu phía công ty thanh toán số nợ thuê mặt bằng trước khi tháo dỡ công trình nhưng công ty không thực hiện”, ông Quế cho hay.
Tương tự, vườn nhà bà Nguyễn Thị Thuận (trú ở phường 5, thành phố Đông Hà) cũng tồn tại trạm thu phát sóng như trên. Thời gian qua, gia đình bà Thuận luôn bất an, sợ hãi cột sắt cao vút ấy có thể đổ sập xuống nhà bất cứ lúc nào.
“Về mùa mưa bão, gia đình tôi thấp thỏm lo sợ cột sắt ấy bị đổ sập xuống. Mặc dù gia đình đã kiến nghị nhiều lần, đề nghị công ty tháo dỡ nhưng chưa xử lý”, bà Thuận nói.
Trạm thu phát sóng ở vườn nhà ông Đinh Ngọc Quế (trú ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) chực chờ đổ sập bất cứ khi nào. |
Theo tìm hiểu, hiện tỉnh Quảng Trị tồn tại 4 trạm thu phát sóng của Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu đặt trên phần đất của 4 hộ gia đình tại huyện Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà.
Từ tháng 4/2018, sau khi ngừng khai thác, các trạm này không được bảo trì, bảo dưỡng; không thanh lý hợp đồng, không thanh toán tiền thuê mặt bằng đặt trạm và bỏ hoang từ đó đến nay.
Trước những phản ánh của người dân, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cùng Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương đã đi kiểm tra trực tiếp 4 trạm viễn thông nói trên. Đoàn kiểm tra đánh giá, cả 4 công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận, đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra mưa bão.
Đề xuất phá dỡ
Liên quan đến các trạm thu phát sóng, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, sau nhiều lần liên hệ, đôn đốc Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu khẩn trương phá dỡ 4 trạm thu phát Gtel Mobile, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện phá dỡ công trình theo yêu cầu.
Mới đây, vào đầu tháng 3/2023, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xử lý các trạm BTS nguy hiểm, không đảm bảo an toàn.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương phá dỡ 4 trạm thu phát Gtel Mobile trên địa bàn; đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài Chính bố trí kinh phí để các địa phương tổ chức phá dỡ công trình, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão sắp đến; đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị giao Công an tỉnh Quảng Trị liên hệ với Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với địa phương để phá dỡ đảm bảo an toàn.
Trước khi đề xuất với UBND tỉnh các nội dung nói trên, Sở Xây dựng đã nhiều lần liên hệ, đôn đốc nhưng Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu không chịu phá dỡ trạm thu phát sóng.
Đặc biệt nghiêm trọng, trước các đợt mưa bão cuối tháng 9/2022, ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Trị, 4 trạm thu phát sóng Gtel Mobile tiềm ẩn nguy cơ bị đổ sụp, nhưng công ty trên vẫn lơ là, không có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở gần công trình.
Gần đây nhất, vào tháng 11/2022, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị xử lý 4 trạm thu phát sóng, có sự tham gia của đại diện các địa phương và Sở ngành liên quan, nhưng đại diện của chủ sở hữu vẫn không có mặt.